VinFast nhận giấy phép để xây dựng nhà máy ở Mỹ; Novaland xung phong làm thí điểm tháo gỡ khó khăn; Thế giới Di động (MWG) thu hẹp chuỗi AvaSport và Bluetronics; Apax Holdings lên kế hoạch tái cấu trúc Anh ngữ Apax; FLC xin lỗi cổ đông.
VinFast nhận giấy phép để xây dựng nhà máy ở Mỹ
VinFast vừa cho biết đã được cấp một trong những giấy phép cần thiết về môi trường để bắt đầu xây dựng nhà máy 4 tỷ USD ở Mỹ.
Hãng sản xuất xe điện của Việt Nam đã được trao giấy phép “Air Permit”, nhưng vẫn đang chờ các giấy phép khác cho nhà máy ở Quận Chatham. Trong thời gian này, VinFast sẽ bắt đầu tiến hành đấu thầu xây dựng.
VinFast cho biết đã được cấp một trong những giấy phép cần thiết về môi trường để bắt đầu xây dựng nhà máy 4 tỷ USD ở Mỹ. |
“Giấy phép này cho phép chúng tôi bắt đầu xây dựng giai đoạn 1 của nhà máy. Chúng tôi sẽ bắt đầu xây dựng sớm”, theo thông tin từ VinFast.
Công ty con của Vingroup đang tiến tới mở rộng hoạt động tại Mỹ với hy vọng sẽ cạnh tranh được với các nhà sản xuất ô tô hiện có. Trước đó, VinFast có kế hoạch bắt đầu hoạt động tại nhà máy ở Bắc Carolina vào năm 2024, dự kiến sẽ tạo ra hơn 7.000 việc làm.
Giai đoạn một của dự án bao gồm khoản đầu tư 2 tỷ USD vào một nhà máy có công suất sản xuất 150,000 xe/năm. Giai đoạn 2 sẽ tập trung vào sản xuất pin.
Trước đó, CEO VinFast Lê Thị Thu Thủy cho biết nhà máy đã “cơ bản hoàn thành việc giải phóng mặt bằng” và VinFast đang “hoàn thiện các giấy phép để có thể bắt đầu xây dựng”. Bà cho biết thêm VinFast vẫn bám sát theo kế hoạch bắt đầu sản xuất thử nghiệm tại cơ sở ở Bắc Carolina vào năm 2024.
Cho tới khi nhà máy ở Mỹ đi vào hoạt động, VinFast dự tính sản xuất xe điện ở nhà máy Hải Phòng và rồi xuất khẩu tới Mỹ. Mới đây, VinFast đã hoãn giao xe điện cho khách ở Mỹ cho tới nửa cuối tháng 2/2023. Phía công ty cho biết việc chậm trễ là do cần cập nhật phần mềm cho xe.
Hiện VinFast đặt mục tiêu sản xuất 1,1 triệu chiếc xe/năm vào năm 2026. Bà Thủy cho biết trong 3 tháng cuối năm 2022, VinFast đã giao hơn 4. 900 chiếc xe, tức cả năm sản xuất dưới 20.000 chiếc.
VinFast cũng cho biết đã nhận đặt cọc cho xe VF5 và sẽ sớm mở dịch vụ đặt trước cho VF6 và VF7 trên toàn cầu, với thời điểm giao xe dự kiến là từ cuối năm 2023.
Novaland xung phong làm thí điểm tháo gỡ khó khăn
Phát biểu tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho bất động sản sáng ngày 17/2, Chủ tịch Novaland ông Bùi Thành Nhơn kiến nghị chọn Khu đô thị Aqua City ở Đồng Nai để Tổ công tác của Thủ tướng thí điểm tháo gỡ khó khăn và Novaland mong ước thời gian tháo gỡ trong 1 tháng.
Aqua City có diện tích hơn 1000 ha |
Cụ thể, Novaland kiến nghị: Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành một quy định cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ cho các dự án bất động sản từ 2-3 năm để giúp các doanh nghiệp có thời gian chờ thị trường hồi phục và hoàn thiện pháp lý dự án.
Việc trợ giúp kịp thời rất quan trọng nhằm phòng tránh 10-20% dư nợ của nền kinh tế bị chuyển sang nợ xấu.
Doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ pháp lý tận gốc cho các dự án của các doanh nghiệp trên cả nước. Sự ách tắc này đã kéo dài rất nhiều năm nhưng chưa được giải quyết.
Hiện tại, Novaland đang còn 25 ngàn tỷ đồng bị phong tỏa tại các ngân hàng thương mại. Trong đó, theo các điều kiện cấp tín dụng, khoảng hơn 10 ngàn tỷ đồng sẽ đủ điều kiện để giải toả khi Novaland hoàn thiện một số thủ tục pháp lý. Nếu trong vòng 1-2 tháng tới, vấn đề này được giải quyết thì Novaland sẽ có nguồn vốn để hoạt động bình thường.
Lãi suất từ cuối năm ngoái tăng khá nhanh, có khoản vay lãi suất đã tăng gần 30%. Nếu mức tăng này tiếp tục duy trì thì dự án đang ở mức lãi suất cũ sẽ thành lỗ ở mức lãi suất mới.
Do đó, doanh nghiệp đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại có biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất huy động, qua đó nhanh chóng giảm lãi suất cho vay phục hồi thị trường.
Riêng đối với các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp đã đồng hành cùng ngân hàng trong nhiều năm, nay doanh nghiệp gặp khó khăn do lãi suất tăng cao thì các ngân hàng thương mại cũng nên giảm biên lợi nhuận để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.
“Việc sửa đổi Nghị định 65 đã soạn thảo từ đầu tháng 12/2022 nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành. Với các nội dung trong dự thảo nếu được ban hành sẽ góp phần tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, cũng như thị trường trái phiếu” ông Bùi Thành Nhơn nói và cho biết thêm, không chỉ doanh nghiệp bất động sản, mà các ngân hàng thương mại và người dân là các trái chủ đều mong các nội dung sửa đổi này được ban hành sớm.
Thế giới Di động (MWG) thu hẹp chuỗi AvaSport và Bluetronics
Thu hẹp chuỗi AvaSport và Bluetronics đang là lựa chọn giúp MWG giảm gánh nặng trong năm 2023. Nguyên nhân, theo MWG, không có tiềm năng đóng góp doanh thu/lợi nhuận đáng kể trong tương lai.
AvaSport là mô hình cửa hàng chuyên bán đồ thể thao của MWG |
AvaSport là thử nghiệm của MWG, đi theo mô hình cửa hàng chuyên bán đồ thể thao. Trong năm 2022, MWG đã mở thử nghiệm 5 cửa hàng AvaSport. Còn Bluetronics là mô hình Điện máy Xanh của Thế Giới Di Động tại Campuchia, bắt đầu từ năm 2017. Đến cuối tháng 9/2020, chuỗi này đã có 20 siêu thị tại Campuchia và tăng lên con số 55 chi nhánh vào giữa năm 2021
Tuy nhiên, trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, đại diện MWG cho biết, quyết định ngừng kinh doanh ở Campuchia sau 6 năm hoạt động để tập trung vào những mô hình kinh doanh khác và những thị trường khác.
Về chuỗi An Khang và AvaKids, Công ty đánh giá thị trường có tiềm năng lớn nhưng các chuỗi hiện nay chưa có lợi nhuận. Do đó, trong thời gian tới, MWG sẽ tạm ngưng mở rộng, tập trung giữ những cửa hàng có biên lợi nhuận dương, tăng doanh thu trên mỗi điểm bán cũng như kiểm soát chặt chẽ chi phí. Từ đó giảm lỗ và đưa chuỗi về điểm hòa vốn.
Trong báo cáo gửi đến các nhà đầu tư, Tổng giám đốc MWG cũng đưa ra nhận định: “Tình hình vĩ mô không thuận lợi, sức cầu yếu, xu hướng tiêu dùng tiết kiệm cũng như chi phí doanh nghiệp tăng cao sẽ khó thay đổi nhanh chóng trong năm 2023”.
Apax Holdings lên kế hoạch tái cấu trúc Anh ngữ Apax
CTCP Đầu tư Apax Holdings có văn bản giải trình về các vấn đề liên quan tới hoạt động của các công ty con là CTCP Anh ngữ Apax (Apax English, Apax Leaders).
Theo đó, kế hoạch tái cấu trúc chung trên toàn hệ thống kể từ ngày 25/11/2022 và dự kiến cơ bản xong trong quý 1/2023. Một số trung tâm đặc thù có thể điều chỉnh theo tình hình thực tế. Apax sẽ tiếp tục duy trì hoạt động bình thường tại nhóm các trung tâm đủ điều kiện vận hành, đồng thời tiếp tục đầu tư nguồn lực tài chính, nhân sự để hoàn thiện các mặt còn thiếu và yếu như sách, phần mềm, giáo viên và các vấn đề về vận hành khác nhằm đưa chất lượng đào tạo tiến dần với mức tiêu chuẩn đã cam kết sau đợt tái cấu trúc.
APAX Leaders đã có hơn 30 trung tâm đủ điều kiện về mọi mặt tái khai trương trong tháng 2/2023 |
Với nhóm các trung tâm chưa đáp ứng đủ điều kiện tiêu chuẩn về vận hành, Apax bắt buộc phải tiến hành tái cấu trúc toàn diện.
Trong thời gian tái cấu trúc, các trung tâm nhóm này sẽ tạm dừng hoạt động giảng dạy trực tiếp (offline) tại trung tâm cho đến ngày tái khai trương.
Vừa qua, Apax Holdings cho biết đã hoàn thành các hạng mục trong đợt đầu, nhất là về nhân sự và giữ vững nhóm trung tâm hoạt động tốt. Hiện Công ty sẽ tích cực khơi thông nguồn lực tài chính và chuẩn bị kiện toàn về mặt bằng và phục hồi tiếp nhóm các trung tâm khó khăn.
APAX Leaders đã có hơn 30 trung tâm đủ điều kiện về mọi mặt tái khai trương trong tháng 2/2023. Đến tháng 3/2023, sẽ có 38 trung tâm tái khai trương ở Việt Nam. Một số địa phương có trung tâm mở cửa lại đợt này bao gồm Hải Phòng, Đà Nẵng, Vinh, Quảng Bình, Bình Dương, Đồng Nai…
Tại Hà Nội có 13 trung tâm mở đến tháng 3/2023. Riêng tại TP.HCM có 4 trung tâm được tái khai trương đầu tiên, nằm tại quận 7, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp.
Đến tháng 5/2023, APAX Leaders sẽ mở thêm 16 trung tâm. Tại TP.HCM, sẽ có 6 trung tâm tái khai trương, nằm ở các quận 7, 10, Tân Bình, Bình Thạnh, huyện Hóc Môn, TP Thủ Đức.
Đến tháng 6/2023, dự kiến APAX Leaders sẽ mở thêm 20 trung tâm trên cả nước, tức tổng cộng sẽ có 79 trung tâm mở trở lại. Ở khu vực TP.HCM, trong tháng 6- 2023 sẽ có 14 trung tâm mở thêm, bao gồm ở một số quận huyện như quận 1, quận 5, quận 11, Bình Tân, Gò Vấp, với tổng số 24 trung tâm tái khai trương theo lộ trình.
Apax Holdings cho biết giai đoạn này sẽ tập trung vào các mảng lõi là giáo dục với các hệ thống tiếng Anh, hệ thống mầm non với thương hiệu lớn nhất là Apax Leaders, Steame Garten… Công ty đang tiến hành gọi vốn từ các Quỹ đầu tư để giảm vốn vay, tăng vốn chủ sở hữu. Thứ hai, hợp tác kinh doanh với các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư tham gia đầu tư tài chính, kiểm soát hiệu quả và IBC chịu trách nhiệm vận hành.
Bên cạnh đó, Công ty cũng đang tích cực làm việc với các nhóm phụ huynh bức xúc để đưa ra các phương án giải quyết phù hợp, để bảo vệ quyền lợi của phụ huynh học sinh.
FLC xin lỗi cổ đông
FLC xin lỗi và khẳng định quyền lợi của cổ đông vẫn được đảm bảo đầy đủ khi đang nỗ lực hết sức để sớm đưa cổ phiếu lên UPCoM.
Hiện tại, hơn 64.700 cổ đông đang sở hữu khoảng 709,9 triệu cổ phiếu FLC |
3 ngày sau khi cổ phiếu bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) hủy niêm yết, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC vừa có thông báo chính thức đầu tiên gửi các cổ đông. Hiện tại, hơn 64.700 cổ đông đang sở hữu khoảng 709,9 triệu cổ phiếu của Tập đoàn.
“Chúng tôi hiểu rằng cổ phiếu của Tập đoàn FLC bị hủy niêm yết là một sự kiện khó chấp nhận với cổ đông. HĐQT, ban điều hành FLC xin được gửi tới quý cổ đông lời xin lỗi chân thành nhất”, Tổng giám đốc FLC Bùi Hải Huyền chia sẻ đầu thông báo.
FLC mong cổ đông thông cảm cho những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt và cũng hy vọng cổ đông sẽ tiếp tục đồng hành trong giai đoạn này.
Cổ phiếu FLC bị loại khỏi HoSE bởi theo cơ quan này, FLC đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà Sở và Ủy ban Chứng khoán xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Trong thông báo hôm nay, lãnh đạo FLC đã trình bày một loạt khó khăn khiến doanh nghiệp không thể công bố các thông tin theo đúng quy định sau khi cựu Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết bị bắt cuối tháng 3/2022. Trước đó, hôm 14/2, FLC cũng đã kiến nghị các cơ quan quản lý xem xét lại quyết định hủy niêm yết khi giải thích rằng việc vi phạm công bố thông tin do “hoàn cảnh bất khả kháng”.
Bà Bùi Hải Huyền khẳng định sau khi cổ phiếu FLC bị huỷ niêm yết trên HoSE, quyền lợi của cổ đông vẫn đảm bảo đầy đủ theo Luật Doanh nghiệp và điều lệ công ty. Theo đó, trong mọi trường hợp, cổ đông được toàn quyền sở hữu, định đoạt với cổ phiếu FLC đang sở hữu. Đồng thời, cổ đông vẫn được đảm bảo quyền tham gia đại hội đồng cổ đông, quyền biểu quyết, quyền đề cử và ứng cứ thành viên HĐQT.
HĐQT và ban điều hành FLC đang nỗ lực hết sức để xúc tiến các lộ trình công bố thông tin theo quy định, cũng như nhanh chóng thực hiện các thủ tục cần thiết để cổ phiếu tập đoàn này sớm được trở lại giao dịch trên hệ thống UPCoM. Công ty sẽ thông báo về ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu FLC trên UPCoM ngay sau khi được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chấp thuận đăng ký giao dịch.