Kinh Doanh

Bí thư TP.HCM: Không ngờ GRDP tăng thấp như thế

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ ngay từ cuối năm 2022 đã dự tính 2023 sẽ có nhiều khó khăn, thử thách, tuy nhiên không ngờ GRDP quý I thấp đến mức sâu như vậy.

Tại phiên họp về tình hình kinh tế – xã hội TP.HCM quý I và nhiệm vụ, giải pháp quý II sáng 1/4, Bí thư Nguyễn Văn Nên thẳng thắn nhìn nhận 3 năm qua kinh tế TP.HCM liên tục biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ. Thực tế, TP hội nhập sâu, rộng, nên sẽ chịu ảnh hưởng ít nhiều bởi tình hình thế giới và trong nước.

Theo ông, năm 2021 TP.HCM phải chiến đấu với đại dịch và cố gắng vượt qua trong điều kiện ngặt nghèo. Đến năm 2022 là năm phục hồi, dự tính lấy lại những gì đã mất của năm đại dịch. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, đầu năm 2023, TP dự tính 2023 sẽ có nhiều khó khăn, thử thách, nên tập trung nâng cao khả năng thích ứng và đề ra chỉ tiêu thấp hơn năm 2022.

“Nhưng sự thực không ngờ là thấp đến mức sâu như thế. Khó khăn đã nằm trong dự tính từ trước nhưng thực tế sâu hơn cái mà chúng ta dự đoán”, Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.

TP.HCM chưa tận dụng hiệu quả 3 công cụ

Ông Nên nhìn nhận sau đại dịch, kinh tế của thành phố đã vực dậy với độ phục hồi mạnh, đem lại nhiều kết quả khả quan trong năm 2022. Song, ông Nên ví khó khăn về kinh tế của TP.HCM như một cơn bạo bệnh và tự hỏi toàn thành phố, sở, ngành đã đủ quyết tâm, thực hiện đúng theo phác đồ để chữa trị cơn bệnh này chưa.

“Hậu quả cơn bệnh để lại khiến thành phố chưa thật sự vực dậy, đó là chúng ta chỉ đang vực dậy gượng gạo”, Bí thư Nguyễn Văn Nên tâm tư.

Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị các cơ quan, chuyên gia và nhà khoa học thẳng thắn đưa ra những tồn tại chủ quan để tiếp thu, tháo gỡ, đề ra giải pháp cho những quý còn lại để vực dậy tăng trưởng cho địa phương.Chia sẻ tại phiên họp, TS Trần Du Lịch, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng nhấn mạnh mức tăng trưởng GRDP trong quý I chỉ 0,7% “rõ ràng bất ngờ hơn dự báo”.

Thực tế, dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy GRDP của TP.HCM trong quý I ước đạt khoảng 360.000 tỷ đồng, chỉ tăng trưởng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, đưa TP.HCM về danh sách 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất cả nước.

Mức tăng GRDP quý I chỉ 0,7% được đánh giá là bất ngờ, thấp hơn dự đoán.

Mức tăng GRDP quý I chỉ 0,7% được đánh giá là bất ngờ, thấp hơn dự đoán. Ảnh: Quỳnh Danh

Nói về nguyên nhân khách quan, TS Trần Du Lịch cho rằng đến từ 2 vấn đề chính từ quý IV/2022, gồm biến động tài chính thế giới và các động thái chấn chỉnh lại thị trường bất động sản, tài chính ở trong nước.

“Hai yếu tố này cộng hưởng và làm chúng ta rất khó khăn. TP.HCM là địa bàn chịu tác động của 2 yếu tố này nặng nhất cả nước. Tuy nhiên đến nay tình hình đã dễ chịu hơn, các nguyên nhân khách quan này có phần cải thiện từ quý I”, vị chuyên gia nhìn nhận.

Dù vậy, đặt trong bối cảnh nhiều địa phương khác vẫn có mức tăng trưởng khá hơn, TS Trần Du Lịch khẳng định TP.HCM chưa tận dụng hiệu quả 3 công cụ vốn có thể là 3 động lực thúc đẩy nền kinh tế.

Thứ nhất, ông nhấn mạnh đầu tư công có thể tạo hiệu ứng theo cấp số nhân cho nền kinh tế, nhưng trong quý I TP.HCM chỉ giải ngân được 2% vốn đầu tư công, nghĩa là gần như bỏ hoàn toàn công cụ này.

Thứ hai, Chính phủ đang tập trung tháo gỡ áp lực về vốn, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, gồm cả đầu tư công, tư nhân, tháo gỡ các dự án tồn đọng. Tuy nhiên, TS Trần Du Lịch đánh giá tình hình ở TP.HCM đến nay vẫn “vô vọng”.

Thứ ba, TP.HCM chưa phát triển tốt thị trường nội địa.

“Cả 3 trụ cột để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đều không được TP.HCM tận dụng hiệu quả. Từ tháng 2, tôi cũng đã kiến nghị 10 điểm, đặc biệt là công khai minh bạch số lượng dự án, hồ sơ tồn đọng và tiến độ xử lý. Việc này là mấu chốt tạo niềm tin, khi doanh nghiệp có niềm tin thì chúng ta mới có thể phát triển, bù đắp thiệt hại thời gian qua”, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia, bối cảnh chung của quý I/2023 thuận lợi hơn quý IV/2022 nhưng TP.HCM chưa tận dụng được. Do đó, với dự báo tình hình chung khởi sắc hơn từ quý III/2023, TP cần có những giải pháp cụ thể, rõ ràng để thực sự tạo chuyển biến tích cực.

Doanh nghiệp cần dòng vốn và đầu tư công

Cũng tại phiên họp, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết cộng đồng doanh nghiệp TP hiện chia làm hai nhóm với hai tâm trạng khác nhau.

Nhóm thứ nhất là những doanh nghiệp đang cố gắng cầm cự để bảo đảm hoạt động, trong bối cảnh tồn kho tăng, thanh khoản giảm. Lượng vốn của nhóm này đang nằm trong hàng hóa, vật tư nguyên liệu hoặc hàng thành phẩm chưa tiêu thụ được. Thậm chí nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài bị kéo dãn thời gian thanh toán, có trường hợp bị chuyển từ mua đứt bán đoạn sang ký gửi.

Do đó, những doanh nghiệp này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có chính sách hỗ trợ dòng vốn lưu động theo hình thức tín chấp hoặc thế chấp hàng tồn kho. Đồng thời, mong muốn TP đẩy mạnh đầu tư công để tạo hiệu ứng lan tỏa đến các doanh nghiệp.

Nhóm thứ hai là các doanh nghiệp đang ấp ủ nhiều ý tưởng để đầu tư và phát triển dài hạn, tuy nhiên với lãi suất trên 10%/năm như hiện nay thì không đơn vị nào dám vay.

“Chúng tôi cần dòng vốn dài hạn 7-10 năm với lãi suất dưới 10%. Song song, để có tài sản thế chấp, đề nghị các cơ quan chức năng sớm giải quyết các thủ tục pháp lý về đất đai, đồng thời các ngân hàng xem xét việc định giá đất thế chấp theo giá thị trường. Mặt khác, chúng tôi cũng đang gặp khó khi thuê đất trong khu công nghiệp trả một lần nhưng vì chủ đất trả hàng năm nên không thể thế chấp”, ông Nguyễn Ngọc Hòa nêu.

Theo ông, ngay trong tháng 4 này HUBA sẽ triển khai nhóm doanh nghiệp đầu ngành để có giải pháp, chương trình làm việc cụ thể, có hiến kế, phản biện, qua đó có thể dẫn dắt cả ngành phục hồi. Tuy nhiên, HUBA kiến nghị TP hỗ trợ các chương trình xúc tiến thị trường ngách, thị trường mới.

Thống đốc NHNN: Đã có 22 ngân hàng giảm lãi suất cho vay, tín dụng chỉ tăng 0,77%

Tín dụng 2 tháng đầu năm chỉ tăng 0,77%. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lý giải nguyên nhân vì sao thanh khoản và room tín dụng dồi dào, song tín dụng vẫn tăng chậm.

ng 3/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 24/2, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 0,77%, huy động vốn tăng 0,05% so với cuối năm 2022.

Phát biểu tại phiên họp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện nay, kinh tế thế giới đang phục hồi chậm, bước đầu đã tránh được nguy cơ suy thoái, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trên thị trường tài chính quốc tế, xu hướng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang diễn ra, do đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới (kể cả châu Á) vẫn đang tiếp tục tăng lãi suất. Từ đầu năm đến nay, đã có thêm 36 lượt tăng lãi suất trên thế giới. Điều này khiến USD bắt đầu tăng giá trở lại từ giữa tháng 2/2023. Ngày hôm qua (2/3), chỉ số USD Index ở mức 104.49 điểm, tăng 7,29% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Thống đốc, diễn biến của USD đang tạo áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước, bởi cơ quan này vừa phải phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, vừa phải nỗ lực ổn định tỷ giá. Trong điều kiện nền kinh tế mở, việc ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá rất quan trọng. Vì vậy, điều hành chính sách lãi suất phải thực hiện hài hòa với đảm bảo ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá.

Từ đầu năm đến nay, thị trường ngoại hối, tỷ giá trong nước ổn định, các giao dịch trên thị trường ngoại tệ thông suốt. Từ đầu năm đến nay (3/3), VND chỉ mất giá 0,6% so với cuối năm 2022, đây là mức mất giá thấp so với các đồng tiền trong khu vực.

Trong khi tỷ giá ổn định, thì lãi suất và tiếp cận vốn là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng. Về vấn đề này, Thống đốc cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có sự chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất và thực tế lãi suất trên thị trường đã bắt đầu giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm 0,43%. Đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều tiết theo hướng phấn đấu giảm lãi suất.

Tuy vậy, về tín dụng, Thống đốc cho biết, hiện tăng trưởng tín dụng tính tới hết tháng 2/2023 rất chậm. Đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14-15%, cao hơn năm 2022 và có điều chỉnh tùy theo diễn biến thị trường. Trong tháng 2/2023, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Tuy vậy, tính tới 28/2, tín dụng toàn hệ thống vẫn tăng trưởng thấp.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao tín dụng tăng trưởng thấp trong bối cảnh room tín dụng dồi dào, thanh khoản hệ thống dư thừa, các điều kiện cấp tín dụng vẫn được Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên. Thậm chí cuối năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư Thông tư 26/2022/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, các ngân hàng thương mại nhà nước (Big 4)  được tính một phần tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước vào cấu phần huy động, tức có thêm nguồn lực để cho vay.

Lý giải về điều này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, tín dụng 2 tháng đầu năm tăng chậm do một số nguyên nhân.

Thứ nhất, 2 tháng đầu năm trùng vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Thứ hai, sức khỏe nhiều doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng bởi Covid-19, không đáp ứng được các điều kiện vay vốn.

Thứ ba, đơn hàng của nhiều doanh nghiệp suy giảm khiến nhu cầu vay vốn không cao bằng năm ngoái.

Thứ tư, những năm trước, tín dụng bất động sản tăng mạnh, chiếm hơn 20% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại, song năm nay, thị trường khó khăn khiến tín dụng bất động sản tăng chậm lại, dù vẫn tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Khó khăn của bất động sản hiện nay là vấn đề pháp lý (chiếm 70%), do đó, nếu khó khăn này được tháo gỡ, các tổ chức tín dụng mới có điều kiện thúc đẩy giải ngân tín dụng bất động sản. 

Quy mô gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có thể tăng lên

Ngoài sự tham gia của 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, nếu có thêm các ngân hàng thương mại đủ điều kiện tham gia thì quy mô gói tín dụng này sẽ được tăng lên.

Chiều ngày 2/3, Bộ Xây dựng đã có thông cáo báo chí thông tin về đề xuất gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp và người mua nhà ở xã hội. 

Bộ Xây dựng cho biết: Sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững”, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về phát triển thị trường bất động sản an toàn lành mạnh bền vững, trong đó có nội dung về gói tín dụng  nhà ở xã hội. Khi có quyết nghị của Chính phủ, Bộ sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Cung cấp thêm thông tin về vấn đề này tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 3/3, Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao cho NHNN ưu tiên nguồn vốn cho nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, Bộ Xây dựng đề xuất NHNN bố trí gói tín dụng ưu đãi liên quan 2 phân khúc nhà ở này.

Sau khi phân tích với điều kiện hiện nay và cân nhắc với tình hình thực tế, NHNN đã bàn với 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank. 4 ngân hàng này đã thống nhất gói tín dụng quy mô 120.000 tỷ đồng, trong đó mỗi ngân hàng sẽ dành khoảng 30.000 tỷ đồng cho 2 đối tượng là nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân.

Đặc biệt, theo Phó thống đốc, “trường hợp có thêm các ngân hàng thương mại đủ điều kiện tham gia thì quy mô gói này có thể tăng lên”.

Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà (Ảnh: Nhật Bắc)

Về lãi suất, nhằm giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản, các ngân hàng đã dự kiến mức lãi suất cho vay gói này sẽ thấp hơn từ 1,5-2% so với tất cả mức cho vay thông thường của các ngân hàng.

Phó thống đốc cho biết, Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển. Trên cơ sở nội dung của Nghị quyết được ban hành, NHNN sẽ triển khai theo đúng chỉ đạo của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, cụ thể là gói tín dụng với mức lãi suất nêu trên.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, nhà ở xã hội có một số chính sách ưu đãi, do đó khi triển khai, tiền sử dụng đất cũng được Nhà nước miễn, đi kèm với một số chính sách khác nữa, nhằm thực hiện mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội.

“Việc này Chính phủ đã bàn nhiều và Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết liên quan đến việc tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh trong thời gian tới”, ông Sơn khẳng định.

Trước đó, nhằm thúc đẩy, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tại Hội nghị ngày 17/2, Bộ Xây dựng có đề xuất dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại, để cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng thực hiện rất tốt vào giai đoạn 2013 – 2016 trước đây).

Cụ thể theo đề xuất sẽ dành khoảng 50% gói tín dụng cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay ưu đãi, và dành khoảng 50% gói tín dụng còn lại cho khách hàng cá nhân là người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng sẽ dừng nghiên cứu gói tín dụng 110.000 tỷ đồng này để phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Nguyên nhân là do lo ngại về bố trí nguồn vốn cũng như thủ tục. Theo đó, triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng như đề xuất của Ngân hàng Nhà nước sẽ đơn giản về thủ tục và có nguồn để thực hiện được ngay.

Sửa Luật Đất đai: Không để dân khổ!

Chỉ thấy lợi ích của Nhà nước thì không đủ, Nhà nước phải nhận lấy khó khăn và tạo thuận lợi cho dân – đó là quan điểm được nhiều người dân đồng tình khi góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Giá đất cần được dân đồng thuận

Sau hơn một tháng khá im lìm, tuần qua, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo) bắt đầu diễn ra tại một số phường trên địa bàn Thủ đô.

Phóng viên Báo Đầu tư đã có mặt tại Hội nghị lấy ý kiến do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) tổ chức vào sáng 17/2 và ghi nhận, công tác chuẩn bị khá kỹ càng. Dự thảo được gửi trước đến các đầu mối xin ý kiến, các phát biểu trực tiếp đều có sự nghiên cứu, tham vấn quan điểm của những người khác trong tổ dân phố, thậm chí có so sánh với một số điều của Luật Đất đai hiện hành. Tuy nhiên, chỉ có chưa đến 10 ý kiến đóng góp, trong tổng số khoảng 70 người tham dự, thời gian góp ý hơn một giờ.

Nhận xét chung từ đa số ý kiến là chính sách đất đai còn nhiều bất cập; nhiều nơi, dân còn khổ vì quy hoạch treo; giá đất đền bù quá thấp so với giá thị trường, khiến dân bức xúc, khiếu kiện kéo dài.

Lấy ví dụ ở phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội), khi thu hồi đất, thì giá đền bù cho dân cao nhất là 80 triệu đồng/m2, trong khi tại thời điểm đó, giá thị trường cao nhất là 300 triệu đồng/m2, bà Nguyễn Thị Minh Trang (Tổ dân phố số 4) cho rằng, chênh lệch như thế dẫn đến nhiều bức xúc, khiếu kiện, chưa nói đến việc lợi dụng chính sách để trục lợi.

Cơ chế, chính sách tài chính, giá đất cũng là một trong những vấn đề trọng tâm được cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) xin ý kiến nhân dân. Dự thảo quy định bảng giá đất được ban hành hàng năm (công bố công khai và áp dụng từ ngày 1/1 của năm) để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường, tránh trường hợp giá đất không phản ánh đúng giá thị trường, gây thất thu ngân sách nhà nước và khiếu kiện khi Nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị ban hành bảng giá đất định kỳ 5 năm, 3 năm hoặc 2 năm một lần và quy định thêm việc điều chỉnh bảng giá đất khi có biến động từ 20% trở lên.

Theo bà Trang, Dự thảo cần khắc phục được hạn chế về giá đất, quy định thật rõ Chính phủ công bố nguyên tắc xác định giá đất và điều chỉnh giá đất khi thu hồi. Chủ tịch UBND tỉnh phải công bố giá đất từng năm, đặc biệt là phải lấy ý kiến của dân về giá đất khi ban hành, khi được 70% người dân trong khu vực đồng ý, thì mới thực hiện; 30% còn lại, nếu không chấp hành, thì có thể bị cưỡng chế khi cần thiết, như thế hợp lý hơn.

Bà Trang cũng cho rằng, Dự thảo nên ưu tiên thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, vì đất dù đang thuộc quyền sử dụng của ai, thì cũng là tài sản quốc gia, bởi thế, Nhà nước nên đứng ra thu hồi, rồi mới giao đất.

“Để doanh nghiệp tự thỏa thuận với người sử dụng đất, có khi doanh nghiệp mất rất nhiều tiền, nhưng tiền đó lại không vào người được thỏa thuận, gây ra bất mãn với dân”, bà Trang nói.

Ngoài ra, theo bà Trang, nên quy định cứng là bảng giá đất phải áp dụng cho mọi giao dịch mua bán, tính thuế. Hiện nay, nhiều trường hợp giá mua bán cao, nhưng thuế thì thấp (vì tính theo khung giá), nên thiệt hại thuộc về Nhà nước.

Tán thành các nguyên tắc xác định giá đất, song ông Nguyễn Văn Vũ (Tổ dân phố số 8) cho rằng, thời hạn lập bảng giá đất cần nghiên cứu kỹ hơn. Theo quy định, bảng giá đất được ban hành hàng năm, nhưng có thể trong năm có thay đổi, thì cần điều chỉnh cho phù hợp. Khi giá đất có biến động 20% trở lên, thì cần tính toán tạo sự công bằng cho nhân dân.

Với đất đã thu hồi, ông Vũ nêu thực tế, có nhiều trường hợp thu hồi một giá, để lâu không sử dụng, giá đất tăng vọt, thì nhân dân thắc mắc, gây nên khiếu kiện. Do đó, nên quy định thời gian đất được sử dụng sau khi thu hồi, ví dụ sau 5 năm, thì phải tính lại giá để đền bù cho nhân dân.

Chỉ thấy lợi ích của Nhà nước thì không đủ

Theo nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội, quan trọng nhất trong sửa đổi Luật Đất đai là cơ chế chuyển dịch đất đai hài hòa được lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Để làm được điều này, theo GS-TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đừng bao giờ nghĩ cái lợi đầu tiên phải thuộc về Nhà nước.

Nhiều cử tri cũng có cùng quan điểm đó. Ông Chu Văn Thịnh (Tổ dân phố số 3) nói, quốc gia nào trân trọng nguồn lực đất đai, thì quốc gia đó sẽ thịnh vượng. Nhưng thực tế ở Việt Nam, còn rất nhiều dự án treo, sử dụng đất còn lãng phí, vì thế, lần sửa đổi này, theo ông, phải có sự chuyển động mạnh mẽ trong cả nhận thức và hành động, thì mới khai thác hết nguồn lực quan trọng là đất đai.

Quan điểm của vị cử tri này là, Nhà nước của dân, vì thế, nếu ở chính sách về đất đai nói chung, giá đất nói riêng mà chỉ thấy lợi ích của Nhà nước, thì không đủ. Mà, trong bất cứ sự thay đổi nào, Nhà nước phải nhận lấy khó khăn và tạo thuận lợi cho nhân dân. Phải có chính sách rất cụ thể cho từng vùng miền, từng nhóm địa bàn, khu vực dân cư; đồng bào khó khăn, miền núi, hải đảo thì càng cần phải được ưu tiên.

Với chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, ông Thịnh nhìn nhận, có những hộ đến nơi mới thì phát triển, nhưng cũng có hộ đời sống đi xuống.

“Mặt trận Tổ quốc cần quan tâm đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư, bởi đây là chỗ dựa cuối cùng của dân. Thời gian qua, công tác của Mặt trận có đổi mới, nhưng chưa đúng tầm. Cách ủng hộ tốt nhất là tìm đúng vấn đề dân đang gặp khó khăn, không hùa theo dân, nhưng cái nào dân nói đúng, thì phải phản ánh đến nơi, đến chốn, có tình, có lý, đó mới là Mặt trận. Nếu Mặt trận hiểu chưa đủ sâu vấn đề, thì mời người có chuyên môn sâu đến hỗ trợ, làm chỗ dựa cho dân, thì chính sách mới đi vào cuộc sống được”, ông Thịnh góp ý.

Ngoài những vấn đề trên, một số ý kiến tại cuộc góp ý cũng quan tâm đến quy định về hộ gia đình sử dụng đất.

Theo Ban Soạn thảo, Dự thảo quy định theo hướng bỏ đối tượng là hộ gia đình sử dụng đất, vì hiện nay, việc xác định các thành viên trong hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến việc thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất mà trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ ghi tên của chủ hộ gia đình.

So sánh với Luật Đất đai hiện hành, ông Hoàng Văn Vui (Tổ dân phố số 4) cho rằng, quy định tại Dự thảo đã rõ ràng hơn, đưa ra quy định: “Trường hợp thửa đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, thì cấp một giấy chứng nhận ghi đầy đủ tên thành viên trên giấy chứng nhận và trao cho người đại diện. Đối với trường hợp giấy chứng nhận đã cấp cho đại diện hộ gia đình trước ngày luật này có hiệu lực thi hành, nếu các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình có nhu cầu, thì được cấp đổi giấy chứng nhận và ghi đầy đủ tên các thành viên có chung quyền sử dụng đất”.

Tuy nhiên, ông Vui đề nghị, cần nghiên cứu để quy định tại Dự thảo khái niệm về hộ gia đình sử dụng đất một cách dễ hiểu hơn, để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của toàn thể các thế hệ trong gia đình (bao gồm cả con dâu, con rể).

Liên quan vấn đề này, bà Nguyễn Thị Minh Trang (Tổ dân phố số 4) cho rằng, cần duy trì quyền sử dụng đất gắn với hộ gia đinh và quyền thừa kế về đất đai, thì người dân mới có trách nhiệm. “Mọi quy định của Dự thảo cần đặt niềm tin vào dân và người dân phải là chủ thể”, bà Trang bày tỏ quan điểm.

Bí thư Đảng ủy phường Trúc Bạch, bà Nguyễn Thị Hải Yến cho biết, sẽ tiếp tục lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo và tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan, báo cáo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Ba Đình để gửi tới cơ quan có trách nhiệm tiếp thu.

Trái phiếu doanh nghiệp sẽ hồi phục cuối năm 2023 nếu ngân hàng không đứng ngoài cuộc

FiinGroup cho rằng, có 3 yếu tố trợ giúp cho doanh nghiệp có thể phát hành TPDN trở lại nửa cuối năm 2023, trong đó sự tham gia hỗ trợ của ngành ngân hàng là yếu tố quan trọng.

Trong báo cáo vừa phát hành, Forbes cho rằng, nửa đầu năm nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thể sớm sôi động trở lại. Trong tháng 1/2023, thị trường chỉ chứng kiến duy nhất một đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với giá trị chỉ bằng 0,5% cùng kỳ năm ngoái.

Về triển vọng nửa cuối năm nay, nhóm chuyên gia phân tích FiinGroup cho rằng, thị trường chưa thể hồi phục. Tuy vậy, nửa cuối năm 2023, thị trường có thể có chuyển biến nếu có những yếu tố hỗ trợ.

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai chính sách tín dụng bất động sản. Theo đó, bên cạnh cho vay tín dụng cho doanh nghiệp theo room tín dụng mới năm 2023, FiinGroup kỳ vọng một số các ngân hàng thương mại có xếp hạng tín nhiệm tốt bởi Ngân hàng Nhà nước có thể khôi phục lại hoạt động đầu tư và kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp theo Thông tư 13 có hiệu lực từ ngày 15/1/2022.

Ngoài ra, khi vấn đề pháp lý dự án bất động sản được tháo gỡ và điều khoản cho phép dãn nợ trái phiếu 24 tháng theo dự thảo sửa đổi Nghị định 65 được áp dụng, giải ngân cho vay và tín dụng dưới hình thức trái phiếu doanh nghiệp có thể được một số các tổ chức tín dụng triển khai trở lại, bao gồm cả hoạt động tái cơ cấu nợ qua hình thức trái phiếu doanh nghiệp.

Dư nợ tín dụng bất động sản tăng cao trong mấy năm qua (tăng 24,27% so với cuối năm 2021 và chiếm tỷ trọng lớn 21,2% trong tổng dư nợ đối với nền kinh tế) và dự nợ trái phiếu doanh nghiệp ngoài hệ thống ngân hàng khoảng 4% trên dự nợ tín dụng. Điều này đã tạo lên những quan ngại cho rủi ro an toàn hệ thống và vi phạm chéo về nghĩa vụ nợ dẫn đến nợ xấu gia tăng.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu  kỳ vọng vẫn sẽ có sự tăng trưởng tín dụng bất động sản một cách chọn lọc từ phía các tổ chức tín dụng cũng như từ phía các doanh nghiệp đi vay. Điều này sẽ là giải pháp tốt cho thị trường và cho cả hai phía là ngân hàng và doanh nghiệp.

Thứ hai, Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP đi vào hiệu lực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ cấu nợ trái phiếu. Tuy vậy, điểm mấu chốt là các doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc nợ cần minh bạch thông tin về mục đích sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp cho hoạt động tái cơ cấu nợ ở các chương trình dự án cụ thể theo yêu cầu của Nghị định 65.

FiinGroup cho rằng, quá trình này sẽ có sự hỗ trợ bởi Ngân hàng Nhà nước thông qua các tổ chức tín dụng, trong đó chấp nhận chưa hạ chuẩn phân loại nợ vào nợ xấu cho các doanh nghiệp vẫn đáp ứng được các tiêu chí và điều kiện cho vay, song song với việc thỏa thuận với trái chủ về việc giãn kỳ hạn thanh toán nợ cùng với các điều khoản mới đi kèm. Việc triển khai biện pháp chính sách này sẽ rất cần thiết trong thời gian tới.

Áp lực thanh khoản của doanh nghiệp càng hiện rõ về giai đoạn cuối 2022 khi thị trường đã chứng kiến 12 doanh nghiệp phát hành ngành bất động sản và năng lượng đã chính thức được công bố là vi phạm nghĩa vụ nợ (chậm trả lãi và/ hoặc gốc). Việc triển khai đồng bộ giữa việc triển khai tín dụng bất động sản và tái cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp sẽ góp phần giải quyết một phần áp lực đáo hạn 205.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023 này, trong đó 104.000 tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn từ các doanh nghiệp bất động sản.

Thứ ba, các biện pháp tháo gỡ về pháp lý bất động sản sẽ được triển khai. Đây là điểm nghẽn lớn nhất của thị trường bất động sản. Do đó, việc rà soát và tháo gỡ pháp lý nhất là cho Bất động sản sẽ là chìa khóa cho sự khôi phục của không chỉ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng bất động sản mà cả hoạt động tự điều tiết như chuyển nhượng dự án.

Bởi khi yếu tố pháp lý bất động sản chưa được giải quyết, doanh nghiệp không thể mở bán cho dù chấp nhận giảm giá bán và dẫn tới nguồn thu lớn nhất là từ khách hàng mua nhà chưa được khơi thông. Việc tiến độ giải quyết thủ tục bị kéo dài khiến việc triển khai nhiều dự án bị chậm tiến độ.

Thực tế cho thấy, số cung căn hộ mới đã giảm từ 112.000 căn vào năm 2018 xuống còn 20.000 căn vào năm 2022. Ngoài ra, số ngày quay vòng hàng tồn kho bình quân của doanh nghiệp bất động sản cũng tăng 1,38 lần sau 5 năm, kéo dài thời gian thu hồi vốn của doanh nghiệp. Điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của bản thân chủ đầu tư, gây suy giảm khả năng thực hiện các nghĩa vụ nợ.

“Chúng tôi kỳ vọng sẽ có những chính sách cụ thể về việc giảm lãi suất cho vay đối với với người mua nhà, nhất là cho phân khúc hạng trung trở xuống đến nhà ở xã hội. Điều này nên được thực hiện song song cùng các biện pháp khác như tháo gỡ pháp lý bất động sản do đây là nguồn thu lớn nhất của các doanh nghiệp bất động sản, chứ không phải là tín dụng ngân hàng hay trái phiếu doanh nghiệp. Ngoài ra, cần hiệu lực hóa các biện pháp chống đầu cơ bất động sản nhà ở như một số kiến nghị, bao gồm đánh thuế sở hữu nhiều tài sản bất động sản hay đánh thuế sở hữu bất động sản siêu cao cấp hoặc biệt thự…”, nhóm phân tích kiến nghị.

FiinGroup cũng cho rằng, Chính phủ nên triển khai các giải pháp mang tính kiểm soát chu kỳ tín dụng khép kín. Theo đó, tín dụng chảy từ ngân hàng đến người mua nhà đến chủ đầu tư rồi quay về để ngân hàng kiểm soát đúng dòng tiền. Giải pháp này nên được khuyến khích nhằm giúp hoạt động này diễn ra mạnh mẽ và phổ biến hơn cho các dự án đang tồn đọng hiện nay.

Thực hiện được giải pháp này một cách hiệu quả sẽ đem lại lợi ích cho người dân mua nhà với yêu cầu giảm giá với chủ đầu tư, ngân hàng kiểm soát được tốt hơn rủi ro tín dụng, chủ đầu tư bán được hàng góp phần khôi thục đồng thời cả thị trường vốn và thị trường bất động sản. Dĩ nhiên, không chỉ có ngân hàng giảm lãi suất cho vay mua nhà mà chủ đầu tư cũng phải cam kết có chính sách giảm giá hợp lý và giảm biên lợi nhuận để hài hòa lợi ích chung của các bên.

Tăng thuế bất động sản: Quan trọng là đúng đối tượng

Nhìn nhận đề xuất đánh thuế nhà và tài sản là cần thiết, song Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, cần phải đặc biệt lưu ý quy định về thuế để chống đầu cơ.

Thưa ông, dù mới chỉ là đề xuất chứ chưa được đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội, nhưng việc xây dựng Luật Thuế bất động sản (dự kiến thông qua năm 2025) đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Trong bối cảnh Quốc hội đang tập trung sửa đổi Luật Đất đai, trong đó có tài chính về đất đai, theo ông, đề xuất này có phù hợp?

Thực tế hiện nay cho thấy, tình trạng sốt nhà, đất do đầu cơ diễn ra ngày càng phức tạp. Nhiều người “ôm” nhà, đất để chờ tăng giá rồi bán, hiện tượng phân lô, bán nền nở rộ ở nhiều địa phương, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi lên miền ngược gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Việc người dân đổ xô đi buôn, đầu cơ nhà, đất dẫn đến giá nhà, giá đất tăng cao một cách vô lý, xuất hiện một bộ phận người giàu lên nhờ nhà đất, nhưng phần đông người dân lao động, người thu nhập thấp không có nhà để ở. Đó là một thực tế nhức nhối, tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất bình đẳng cho xã hội.

Đại biểu Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

Trước tình trạng đó, tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Trong đó, nhấn mạnh cần có quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất… cũng như có chính sách ưu đãi thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư.

Ngày 14/7/2022, tại Hội nghị Phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất để ban hành quy định về thuế đối với việc sử dụng bất động sản, hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản, hạn chế tình trạng mua đi, bán lại nhiều lần, hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ bất động sản và chống thất thoát nguồn thu của Nhà nước.

Theo tôi, từ thực trạng bất ổn, tiềm ẩn nhiều rủi ro của thị trường bất động, Đảng đã có chủ trương rõ ràng, thì Chính phủ, Quốc hội cần kịp thời thể chế hóa bằng các quy định của pháp luật. Đây cũng là thời điểm thích hợp để đề xuất thuế nhà và tài sản.

Tại dự kiến xây dựng Luật Thuế bất động sản, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế đối với đất (bao gồm đất ở riêng lẻ, đất sản xuất – kinh doanh phi nông nghiệp, đất phi nông nghiệp khác thuộc đối tượng chịu thuế). Đồng thời, quy định ngưỡng chịu thuế cao hơn với căn hộ có mức giá trên 50 triệu đồng/m2. Có ý kiến cho rằng, nếu tăng thuế, thì nhiều doanh nghiệp bất động sản “chết” sẽ tác động tiêu cực tới nhiều ngành có liên quan, bởi bất động sản là ngành kinh tế tổng hợp. Quan điểm của ông thế nào?

Rõ ràng, mức thuế liên quan đến nhà đất ở Việt Nam hiện quá thấp, chỉ 0,03%, trong khi ở các quốc gia khác, thông thường khoảng 1 – 1,5%. Chúng ta cần nghiên cứu tăng thuế nhà và tài sản theo xu hướng các nước đang làm với lộ trình phù hợp, áp dụng đúng đối tượng sẽ giúp ngân sách có được nguồn thu lớn hơn và bền vững hơn.

Tuy nhiên, để thực hiện đúng chủ trương, tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, cần đánh thuế tài sản với những người sở hữu nhiều nhà đất, không phải là tăng thuế bất động sản, mà là sửa đổi, điều chỉnh. Nghĩa là, thuế này sẽ không đánh vào người nghèo, mà đánh vào đối tượng đầu cơ, tích trữ nhiều nhà, đất, đặc biệt là nhà đất bỏ hoang, không đưa vào sử dụng; đánh thuế mạnh vào căn nhà thứ hai và căn nhà có giá trị cao là tài sản đầu cơ, cũng như tăng thuế đất lên một mức độ nhất định. Những chính sách thuế này sẽ góp phần từng bước giảm hiện tượng sốt nhà đất và giúp giá nhà, đất bình ổn lại.

Theo đó, dự thảo Luật Thuế bất động sản cần quy định rõ, phân loại cụ thể, định nghĩa đầy đủ như thế nào là đầu cơ bất động sản, không phải đầu cơ bất động sản. Trong thực tế hiện nay, đa số giới đầu cơ vẫn nhờ người khác đứng tên trong sổ nhà đất, dòng tiền chưa minh bạch, nên rất khó xác định bất động sản chính chủ để đánh thuế. Do vậy, cơ quan soạn thảo phải đặc biệt lưu ý quy định nội dung này đảm bảo tường minh, làm cơ sở xây dựng quy định đánh thuế đúng đối tượng đầu cơ bất động sản, có như vậy, luật mới có tính khả thi và tạo được sự đồng thuận của người dân, đặc biệt là đối tượng chịu thuế.

Bên cạnh chống đầu cơ, theo ông, Luật Thuế bất động sản còn cần chú ý những vấn đề gì?

Vấn đề tôi muốn nhấn mạnh là, Luật Thuế bất động sản còn phải hướng đến một mục đích rất quan trọng là khuyến khích xây dựng nhà ở để hạn chế đất bỏ hoang phí tại các khu đô thị mới theo quy hoạch đã được duyệt, để tạo việc làm, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và có giao dịch chuyển nhượng, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước…

Do vậy, khi được đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật Thuế bất động sản cần phải hết sức cầu thị, lắng nghe ý kiến phản hồi từ người dân để thiết kế chính sách một cách hợp lý nhất. Làm sao để khi Luật có hiệu lực không làm tăng gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp, nhưng vẫn góp phần đưa đất đai thành động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, như yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Sacombank: ‘Nới nhầm room ngoại ảnh hưởng tiêu cực tới kỳ vọng nhà đầu tư’

Sacombank sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước khi bị VSD đột ngột nới “room” ngoại lên 30%, gây ảnh hưởng tiêu cực đến kỳ vọng nhà đầu tư.

Ngày 14/2/2023, Sacombank gửi văn bản lên Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), Ủy ban chứng khoán, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM đề nghị xem xét lại tỷ lệ sở hữu tối đa được phép của nhà đầu tư nước ngoài. Sacombank khẳng định room ngoại tại nhà băng này chỉ là 23,63468%, thay vì mức 30% như VSD thông báo.

Ngày 16/2, ông Dương Văn Thanh, Tổng giám đốc VSD nói với VnExpress, VSD đã có văn bản nới room cho Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank) vào tháng 5/2021 nhưng do sự nhầm lẫn nên đã điều chỉnh với STB – cổ phiếu của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

“Tuy nhiên, VSD đã kiểm tra lại và thấy mức room ngoại tại Sacombank là 30% là đúng với quy định pháp luật, nên sau đó không điều chỉnh lại về 23,6%”, ông Thanh cho hay.

Lãnh đạo VSD khẳng định, không có yêu cầu nào giữ tỷ lệ room ngoại tại Sacombank là 23,6%. Sacombank hiểu sai cơ quan quản lý kiểm soát room ngoại 23,6% nhưng thực tế đó chỉ là vấn đề kỹ thuật để VSD kiểm soát tỷ lệ sở hữu tại Sacombank là 30% cho đúng số lượng đang niêm yết tại Sở.

Trả lời báo chí ngày 17/2, Sacombank kiên quyết khẳng định: “Ngân hàng không hề hiểu nhầm thông tin. Sacombank yêu cầu VSD làm rõ những vấn đề bất thường, giải thích thỏa đáng với cơ quan truyền thông”.

Theo đó, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín khẳng định từ 2016 đến nay, tính cả thời điểm Sacombank đã hoàn tất niêm yết bổ sung toàn bộ 400 triệu cổ phiếu phát hành thêm sau khi sáp nhập Southern Bank, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với STB do VSD công bố liên tục trong nhiều năm là 23,63468%.

Việc VSD giữ nguyên tỷ lệ cũ (23,6%) trong thời gian dài và đột ngột thay đổi tỷ lệ mới mà không thông báo chính thức đến công chúng và Sacombank, đã gây ảnh hưởng đến hoạt động cũng như chiến lược phát triển của nhà băng.

Sacombank cho biết sẽ chủ động chọn lựa nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng để tiếp tục hoàn thiện tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình, chiến lược hoạt động. Thông tin không rõ ràng về “room” ngoại sẽ gây tác động tiêu cực tới kỳ vọng của nhà đầu tư, đặc biệt là khi một số quỹ ngoại vì sự việc này đã bày tỏ sự quan ngại đối với năng lực quản trị và cách quản lý thông tin nhà đầu tư.

“Điều này làm hạn chế cơ hội tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài và ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư khi không được tiếp cận thông tin một cách rõ ràng, kịp thời”, Sacombank cho hay.

Bên cạnh đó, Sacombank nói sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan hữu quan, Ngân hàng Nhà nước để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ về vấn đề room ngoại. “Sacombank quan ngại về quy trình, thời điểm và cơ sở pháp lý để VSD quyết định nới room. VSD cần có hướng giải quyết với Sacombank và chịu trách nhiệm với các nhà đầu tư nước ngoài”, theo văn bản ngày 17/2 của ngân hàng.

Giao dịch của khối ngoại tại STB bắt đầu sôi động từ đầu tháng 11/2022. Sau phiên 11/11, nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng với quy mô vài triệu tới vài chục triệu cổ phiếu STB mỗi phiên. Tới cuối tháng 11/2022, tỷ lệ room ngoại của nhà băng này chính thức vượt 23,6%.

Và chỉ sau hơn ba tháng, đến 9/2/2023, STB cạn room ngoại, tính trên tỷ lệ tối đa 30%.

Thế Giới Di Động đóng cửa chuỗi điện máy ở Campuchia

Thế Giới Di Động đang thanh lý hàng hóa để đóng cửa toàn bộ chuỗi cửa hàng điện thoại, điện máy Bluetronics ở Campuchia trong quý đầu năm nay.

“Sau 6 năm hoạt động, chúng tôi quyết định ngừng kinh doanh ở Campuchia để tập trung vào những mô hình kinh doanh khác và những thị trường khác”, ông Đoàn Văn Hiểu Em – người đứng đầu mảng bán lẻ điện máy, điện thoại của Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) – chia sẻ trong buổi gặp nhà đầu tư giữa tháng này.

Theo website Bluetronics, hiện chỉ còn 2 cửa hàng ở thủ đô Phnom Pênh hoạt động, giảm đáng kể so với giai đoạn giữa 2021 khi là chuỗi bán lẻ lớn nhất Campuchia với 55 cửa hàng.

Nhân viên Bluetronics bày bán sản phẩm trước cửa hàng, tháng 2/2023. Ảnh: Fanpage Bluetronics
Nhân viên Bluetronics bày bán sản phẩm trước cửa hàng, tháng 2/2023. Ảnh: Fanpage Bluetronics

Thế Giới Di Động tham gia thị trường Campuchia từ giữa năm 2017 khi mở cửa hàng điện thoại đầu tiên tại thủ đô Phnom Pênh với tên gọi BigPhone. Sử dụng bộ nhận diện thương hiệu tương tự chuỗi bán lẻ tại Việt Nam, công ty kỳ vọng mỗi cửa hàng thuộc chuỗi này có doanh số 2 tỷ đồng một tháng.

Đến cuối năm 2019, BigPhone được đổi tên thành Bluetronics để kinh doanh điện thoại lẫn điện máy. Bluetronics khi đó được ban lãnh đạo Thế Giới Di Động xem là bàn đạp cho tham vọng xâm nhập thị trường bán lẻ Đông Nam Á. Doanh thu của chuỗi liên tiếp tăng trưởng ba chữ số trong nhiều năm và đạt đỉnh gần 500 tỷ đồng vào 2021. Dù vậy, mức này đóng góp chưa đến 0,5% tổng doanh thu của công ty.

Mô hình kinh doanh của Bluetronics tương tự chuỗi Điện Máy Xanh ở Việt Nam, thậm chí được ban lãnh đạo Thế Giới Di Động dành nhiều thời gian tinh chỉnh cho phù hợp với văn hóa mua sắm bản địa. Tuy nhiên, quy mô thị trường nhỏ và chính sách thuế phức tạp được xem là rào cản khi nhân rộng chuỗi này.

Hầu hết cửa hàng nhỏ lẻ tại Campuchia không có thuế giá trị gia tăng, trong khi Bluetronics tính thuế này cộng thêm thuế nhập khẩu nên giá bán sản phẩm luôn cao hơn mặt bằng 10-15%. Ban lãnh đạo cho biết Bluetronics khó cạnh tranh nếu giữ giá bán cao, còn chấp nhận chạy đua với các cửa hàng nhỏ lẻ thì không có lãi.

“Công ty đánh giá chuỗi này không có tiềm năng đóng góp doanh thu và lợi nhuận đáng kể trong tương lai nên chủ động đóng cửa để giảm gánh nặng”, lãnh đạo Thế Giới Di Động cho hay.

Sau khi rút khỏi Campuchia, Thế Giới Di Động cho biết sẽ dồn lực vào thị trường Indonesia với chuỗi điện thoại và điện máy EraBlue. Chuỗi này khai trương 5 cửa hàng vào tháng 12/2022 và doanh số bình quân mỗi tháng của một cửa hàng đạt khoảng 5 tỷ đồng.

Cửa hàng EraBlue tại Indonesia. Ảnh: Website Thế Giới Di Động
Cửa hàng EraBlue tại Indonesia. Ảnh: Website Thế Giới Di Động

Lãnh đạo Thế Giới Di Động cho biết thị trường điện thoại và điện máy của Indonesia có quy mô khoảng 14 tỷ USD, lớn hơn nhiều so với Campuchia và thậm chí gấp đôi Việt Nam. Thị trường này có phần lớn cửa hàng truyền thống nên danh mục sản phẩm, hàng hóa trưng bày cũng như dịch vụ hậu mãi hạn chế.

“Ở Indoneia có hai nhà bán lẻ đối trọng, nhưng so với họ thì chúng tôi đang bằng hoặc chỉ thấp hơn một chút”, ông Hiểu Em nói, đồng thời khẳng định sẽ không mất nhiều thời gian để chuỗi EraBlue hoàn thiện mô hình kinh doanh và nhân rộng cửa hàng thử nghiệm nhằm đưa ra đánh giá toàn diện trước khi bước vào giai đoạn tăng tốc.

Gỡ khó cho thị trường địa ốc: Bắt đầu từ đâu?

Dòng vốn bị tắc, pháp lý dự án chưa thông, tâm lý phòng thủ bao trùm lên thị trường, khiến doanh nghiệp và giới đầu tư địa ốc đang bị “ngộp thở”, loay hoay với bài toán làm thế nào để tồn tại.

Thanh khoản tắt, dự án đứng hình

“Thị trường quá khó khăn, không bán được hàng” là nhận định chung của hầu hết doanh nghiệp bất động sản qua trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.

Ông Nguyễn Thanh Sang, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản SG Holdings cho biết, cảm nhận sức cầu của thị trường đang tắt lịm. Tất cả các phân khúc đều “đứng hình”, bất kể sản phẩm tốt hay không tốt. “Đang là mùa xuân, nhưng thị trường vẫn ngủ đông – nỗi lo đáng sợ nhất của các doanh nghiệp đầu tư bất động sản và giới đầu tư, vì mất thanh khoản sẽ kéo theo hàng loạt khó khăn khác”, ông Chung nói.

Mất thanh khoản của thị trường đang diễn ra trên diện rộng ở hầu hết các thị trường, các phân khúc. Đây chính là nút thắt lớn nhất của thị trường hiện nay, cùng với việc dòng tiền bị tắc do không tiếp cận được nguồn vốn vay, khiến hàng loạt doanh nghiệp, dự án rơi vào tình trạng “nằm im, thở khẽ”.

Dạo một vòng quanh thị trường bất động sản phía Nam những ngày đầu năm mới Quý Mão, ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư cho thấy, từ hoạt động môi giới đến việc xây dựng tại nhiều công trình rơi vào cảnh đìu hiu. Tại một đại dự án bất động sản ở Đồng Nai, từng rất tấp nập cách nay không lâu, thì giờ đây thưa thớt bóng người. “Trước đây, mỗi ngày có cả ngàn công nhân ra vào tấp nập, nhưng gần đây, không thấy dự án hoạt động trở lại”, một chị bán nước trước cổng dự án này cho biết.

Gỡ khó cho bất động sản

Theo kế hoạch, ngày 17/2/2023, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh bền vững, với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ. Hội nghị này đang được cộng đồng doanh nghiệp, giới đầu tư đặt nhiều kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Một dự án bất động sản lớn ở Bình Dương, giáp ranh với địa bàn TP.HCM, do một tập đoàn bất động sản lớn tại TP.HCM làm chủ đầu tư, đã được cất nóc, nhưng nhiều tháng qua vắng bóng nhà thầu và công nhân xây dựng. Tại dự án này, khá nhiều người căng băng rôn đòi nhà, đòi lại tiền vì dự án bị trễ hẹn giao nhà.

Trao đổi với chúng tôi về thực trạng dự án trên, đại diện chủ đầu tư cho biết, việc Dự án bị tạm ngưng xây dựng và chậm tiến độ bàn giao nhà là có thật, do ngân hàng ngừng giải ngân vốn cho vay để xây dựng. “Doanh nghiệp hiện không còn cách nào khác là chờ đợi nguồn vốn từ ngân hàng để tiếp tục hoàn thiện dự án và chỉ mong khách hàng chia sẻ”, đại diện doanh nghiệp này chia sẻ.

Không chỉ với các dự án kể trên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, từ cuối năm 2022 đến nay, phần nhiều dự án tại khu vực các tỉnh phía Nam rơi vào tình trạng “đứng hình”. Là người có thâm niên gần 20 năm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Asia New Time thốt lên rằng, chưa bao thị trường bất động sản điêu đứng như hiện nay. “Vấn đề của thị trường hiện nay không phải là giá cao hay thấp, cũng chưa hẳn nhà đầu tư không có tiền, mà là nhà đầu tư đang mất niềm tin vào thị trường và đang mang nặng tâm lý chờ đợi thị trường giảm giá thật sâu mới tính đến chuyện mua vào”, ông Tiến nói. Cũng theo ông Tiến, việc thị trường mất thanh khoản, dự án ngưng xây dựng không chỉ tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp địa ốc, mà còn có thể dẫn đến tình trạng hàng loạt khách hàng đã mua nhà cũng “ngồi trên đống lửa” và kéo đến các doanh nghiệp đòi nhà hoặc đòi lấy lại tiền.

Loay hoay, mất phương hướng

Mới đây, một tập đoàn bất động sản hàng đầu ở khu vực phía Nam đã có thư gửi đến khách hàng đã mua nhà của mình và thông báo việc thay đổi chính sách hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà. Với thông báo này, khách hàng đã mua nhà phải chủ động trả lãi vay hoặc tất toán khoản vay với ngân hàng, thay vì được phía các công ty hỗ trợ lãi vay như cam kết ban đầu.

“Từ giữa năm 2022, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có những biến động lớn, gây ảnh hưởng và tác động nhiều mặt thị trường. Bên cạnh đó, lạm phát, tín dụng thắt chặt, mặt bằng lãi suất tăng… đã ảnh hưởng đến thanh khoản của hàng loạt doanh nghiệp và Công ty không phải ngoại lệ. Hiện nay, thanh khoản và dòng tiền của Công ty đều gặp khó khăn và ngoài tầm kiểm soát. Do đó, Công ty tạm hoãn thanh toán các khoản theo thỏa thuận ban đầu với quý khách”, tập đoàn này thông báo trong thư gửi khách hàng.

Có thể nói, thông báo trên như một “gáo nước lạnh” dội mạnh vào thị trường, vào niềm tin của người mua nhà, bởi đây là doanh nghiệp từng được biết đến là “sếu đầu đàn” trong việc triển khai nhiều đại dự án bất động sản, thu hút hàng ngàn người mua nhà. Đồng thời, đây cũng là sự cảnh báo về khó khăn dây chuyền sẽ xảy ra với nhiều người, nhiều ngành nghề liên quan. Theo ghi nhận, ngoài tập đoàn kể trên, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn khác cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về thực trạng của thị trường bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) đánh giá, có thể nói, năm 2022 là năm khó khăn, khắc nghiệt nhất đối với tất cả doanh nghiệp bất động sản. Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải quyết liệt tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, thay đổi phương án kinh doanh, phải dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án, thu hẹp quy mô sản xuất, chuyển nhượng bớt dự án, nhưng vẫn không tìm được nhà đầu tư, phải cắt giảm nhân lực, thậm chí có đơn vị giảm đến 50% số lao động, giảm 30-50% lương.

Theo ông Châu, hiện nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản tuy có tổng tài sản có giá trị lớn và đã thực hiện nhiều biện pháp giảm sâu giá bán, tăng chiết khấu đến 45-50%, nhưng vẫn rất khó bán được hàng, vì hầu như không có người mua, nên doanh nghiệp thiếu tiền mặt, âm dòng tiền.

“Dự báo năm 2023 là năm ‘quyết định sống còn’ đối với các doanh nghiệp bất động sản, nếu không được hỗ trợ giải quyết nút thắt” về dòng tiền, thủ tục pháp lý để đảm bảo tính thanh khoản nhằm vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn này, thì có thể dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp sẽ ‘chết’ trên đống tài sản”, ông Châu nói.

Gỡ khó thị trường bắt đầu từ đâu?

Chưa bao giờ, câu chuyện tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản được quan tâm như hiện nay. Điều này càng cho thấy, bất động sản có vai trò đặc biệt quan trọng đến sự phát triển chung của nền kinh tế, mà theo thống kê của nhiều chuyên gia, bất động sản có liên quan đến hàng loạt ngành nghề. Do vậy, vực dậy thị trường bất động sản sẽ vực dậy hàng loạt ngành nghề liên quan, chứ không đơn thuần là “giải cứu” doanh nghiệp bất động sản.

Theo ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Phú Đông Group, khó khăn cơ bản đầu tiên của thị trường, của doanh nghiệp hiện nay là dòng tiền thiếu hụt. “Với một doanh nghiệp bất động sản, tiền được ví như mạch máu nuôi cơ thể. Không có máu thì cơ thể không thể sống”, ông Phúc nói.

Ông Phúc lý giải, doanh nghiệp địa ốc có 3 kênh huy động vốn chính là vốn vay ngân hàng, trái phiếu và vốn từ việc bán hàng. Trong đó, vốn vay ngân hàng và vốn từ trái phiếu đang bị tắc do tình hình chung. Sự sống còn của doanh nghiệp hiện nay trông chờ vào thị trường thì đầu ra bị tắc, do thị trường mất thanh khoản. “Giải pháp cơ bản gỡ khó cho doanh nghiệp hiện nay là làm thế nào tạo ra thanh khoản cho thị trường, mà muốn có thanh khoản, thì phải tạo được niềm tin cho người mua nhà thông qua các chính sách kích cầu, hỗ trợ vốn vay và lãi suất”.

Ở một góc độ khác, theo ông Lê Hoàng Châu, vướng mắc lớn nhất mà các doanh nghiệp “kêu” là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất. Tuy nhiên, theo ông Châu, việc tháo gỡ thủ tục liên quan đến luật, không thể thực hiện một sớm một chiều, trong khi khó khăn của thị trường đang cấp bách, nên rất cần các chính sách hỗ trợ nguồn vốn tín dụng trong giai đoạn này.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp địa ốc cho biết, doanh nghiệp ông đang sở hữu hàng chục dự án bất động sản, trong giai đoạn khó khăn của thị trường thời gian qua, để tạo dòng tiền, doanh nghiệp đã chào mời bán lại dự án cho nhiều đối tác, quỹ đầu tư nước ngoài. Mặc dù rất nhiều đối tác quan tâm, nhưng khi vào giai đoạn đàm phán, họ đều từ chối mua vì lý do dự án chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý.

“Giải pháp căn cơ lâu dài để gỡ khó cho thị trường bất động sản là tháo gỡ khó khăn về thủ tục. Một khi thủ tục được khơi thông, sẽ giúp thị trường lưu thông, từ đó tạo ra dòng tiền. Còn nếu thủ tục bị tắc, thì dù có giảm giá bán vẫn khó bán được hàng do người mua mất niền tin”, vị tổng giám đốc này chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện nhiều doanh nghiệp bất động sản đặt niềm tin rất lớn vào sự khơi thông các chính sách để giúp thị trường sớm phục hồi. Các kiến nghị cho rằng, Nhà nước cần có chính sách phân loại doanh nghiệp, phân loại dự án, tách nhóm theo cấp độ rủi ro và có chính sách riêng biệt, không đánh đồng.

Tiền mặt Apax Holdings của Shark Thủy lên cao nhất từ trước tới nay

Apax Holdings báo lỗ sau thuế hơn 90 tỷ đồng Quý 4/2022, kéo kết quả cả năm từ lãi sang lỗ 81 tỷ đồng. Đáng chú ý, tiền mặt của Apax Holdings lên tới gần 700 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, lớn gấp hơn 2 lần nếu so với cuối quý 3/2022.

Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2022, muộn hơn 2 tuần so với quy định.

Báo cáo cho biết, doanh thu thuần của công ty trong kỳ vừa qua âm 45,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán cũng âm hơn 81 tỷ đồng, nên Apax Holdings vẫn có lợi nhuận gộp 36 tỷ đồng.

 Tiền mặt Apax Holdings của Shark Thủy lên cao nhất từ trước tới nay  - Ảnh 2.

Doanh thu trong kỳ âm 41,5 tỷ đồng và chi phí tài chính tăng gấp đôi cùng kỳ lên gần 90 tỷ đồng.

Chi phí quản lý cũng tăng gần gấp đôi, lên 81 tỷ đồng nhưng chi phí bán hàng lại được hoàn nhập 84,6 tỷ đồng. Tổng cộng quý 4, Apax Holdings báo lỗ trước thuế 110 tỷ đồng và lỗ sau thuế 93 tỷ đồng.

Lũy kế năm 2022, công ty đạt doanh thu thuần 1.336 tỷ đồng và lỗ sau thuế 81,4 tỷ đồng.

 Tiền mặt Apax Holdings của Shark Thủy lên cao nhất từ trước tới nay  - Ảnh 3.

Tại thời điểm 31/12/2022, Apax Holdings có tổng tài sản gần 4.600 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn là hơn 2.400 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tiền mặt của Apax Holdings lên tới gần 700 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, lớn gấp hơn 2 lần nếu so với cuối quý 3/2022.

 Tiền mặt Apax Holdings của Shark Thủy lên cao nhất từ trước tới nay  - Ảnh 4.

Thời gian gần đây, Apax Holdings của Shark Thủy gặp nhiều khó khăn. Về hoạt động kinh doanh, hệ thống trung tâm Anh ngữ Apax gặp nhiều thông tin tiêu cực như nợ học phí, nợ lương, phải đóng cửa dừng hoạt động.

Về cổ phiếu, giá IBC của Apax Holdings đã liên tục giảm từ mức 20.000 đồng/cổ phiếu xuống còn chưa tới 3.000 đồng/cổ phiếu. Shark Thủy và Egroup cũng liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu.