Công Nghệ

Sony mang Walkman trở lại với phiên bản chạy Android 12

Bộ đôi máy nghe nhạc Walkman mới của Sony có kích thước nhỏ gọn, hệ điều hành Android 12, hỗ trợ phát định dạng chất lượng cao.

NW-A300 và NW-ZX700 là 2 mẫu máy nghe nhạc Walkman đầu tiên được Sony ra mắt trong năm 2023. Thiết bị nổi bật với thiết kế đẹp, kích thước nhỏ gọn, chạy Android và hỗ trợ nghe nhạc chất lượng cao.

Theo Ars Technica, NW-A300 là bản nâng cấp cho mẫu NW-A105 ra mắt năm 2019. Phiên bản bộ nhớ 32 GB có giá tại Nhật tương đương 360 USD.

Kích thước của NW-A300 khá nhỏ gọn, chỉ 56,6 x 98,5 x 12 mm. Mặt trước máy trang bị màn hình LCD 3,6 inch, độ phân giải HD.

Sony cho biết thời lượng pin của NW-A300 được cải thiện so với thế hệ trước, với tối đa 36 tiếng phát nhạc định dạng FLAC 44,1 kHz, và 32 tiếng phát nhạc FLAC 98 kHz. Sản phẩm còn tích hợp kết nối Wi-Fi 802.11ac và Bluetooth 5.

Dù không được Sony công bố chính thức, NW-A300 có thể sử dụng chip xử lý Qualcomm 4 nhân. Máy trang bị cổng tai nghe 3,5 mm, cổng USB-C 3.2, bên cạnh khe thẻ nhớ microSD và lỗ luồn dây đeo.

Cạnh phải của NW-A300 gồm nút nguồn, chỉnh âm lượng, điều khiển nhạc và khóa phím. Thiết bị được bán với 3 màu sắc: đen, xám và xanh dương.

NW-ZX700 thuộc phân khúc cao hơn, với giá tương đương 818 USD tại Nhật Bản. Thiết bị có kích thước lớn và nặng do tích hợp tụ điện FTCAP3 để cấp nguồn đầu ra analog. Người dùng có 2 tùy chọn xuất nhạc, qua cổng tai nghe 3,5 mm hoặc cổng balance 4,4 mm.

Phiên bản Sony NW-ZX700 với nhiều tính năng nghe nhạc cao cấp. Ảnh: Sony.

May nghe nhac Sony Walkman anh 1
May nghe nhac Sony Walkman anh 1
Phiên bản Sony NW-ZX700 với nhiều tính năng nghe nhạc cao cấp. Ảnh: Sony.

Do kích thước thân máy lớn, NW-ZX700 sở hữu màn hình 5 inch với độ phân giải HD, bộ nhớ trong 64 GB. Sony cho biết thời lượng pin của thiết bị có thể đạt 23 tiếng, viên pin tích hợp vỏ giảm điện trở giúp giọng hát trong trẻo hơn.

NW-ZX700 và NW-A300 đều trang bị bộ khuếch đại kỹ thuật số S-Master HX, hỗ trợ phát nhạc định dạng NativeDSD. Ngoài ra, tính năng DSEE Ultimate hỗ trợ nâng cấp chất lượng nhạc bằng trí tuệ nhân tạo (AI), dành cho người nghe nhạc qua các dịch vụ trực tuyến hoặc Bluetooth.

Bộ đôi máy nghe nhạc cài sẵn Android 12. Máy hỗ trợ chế độ xử lý vinyl, bổ sung hiệu ứng đĩa than cho trải nghiệm nghe nhạc chân thực hơn. Thiết bị dự kiến lên kệ tại Nhật Bản từ tháng 2.

Màn hình smartphone to như thế nào là lý tưởng

Mức 6,1 inch được đa số người dùng yêu thích, trở thành chuẩn mặc định cho phiên bản khởi điểm của các dòng smartphone nổi tiếng.

Lựa chọn kích thước cho màn hình smartphone luôn có sự biến chuyển theo thời gian. Trong cuộc thăm dò năm 2019, mức 6 inch là lựa chọn có độ phổ cập cao nhất. Điều này phản ảnh đúng thực tế, khi các model ra mắt trong năm 2020 đều nằm ở khoảng kích thước 5,9-6,5 inch.

Trong cuộc thăm dò mới được thực hiện bởi GSM Arena, 6,1 inch là lựa chọn hàng đầu của những người tham gia bình chọn. Tùy chọn 6,3 inch có lượng biểu quyết bằng một nửa mức 6,1 inch.

Cũng theo khảo sát này, phần lớn người tham gia đều chọn kích thước màn hình yêu thích là trên 6 inch. Điều này cho thấy xu hướng chung của smartphone hiện đại là thiết bị có màn hình lớn.Các mức kích thước màn hình phổ biếnDữ liệu: GSM.6,1 inch6,1 inchDưới 6 inchDưới 6 inch6,5 inch6,5 inch6,3 inch6,3 inch6,8 inch6,8 inch6,7 inch6,7 inch

6,7 inch

Kích thước:2.114 Bình chọn

Lựa chọn phổ biến thứ 2 là mức dưới 6 inch. Tuy nhiên, con số này không phản ánh đúng thực tế thị trường trong vài năm gần đây. Chỉ có vài thiết bị màn hình nhỏ được ra mắt trong giai đoạn vừa qua như dòng iPhone mini của Apple hay mẫu Zenfone 9 từ Asus.

Ở phía còn lại của bảng bình chọn là những mẫu điện thoại màn hình siêu lớn. Mức 6,7-6,8 inch có được 25% tổng số phiếu bầu.

Kích thước lớn gần như là tiêu chuẩn của các mẫu điện thoại cao cấp. Thông thường, lựa chọn màn hình lớn nhất là thiết bị có cấu hình đầu bảng, camera đầy đủ tính năng trong dải thiết bị ra mắt cùng thời điểm. Galaxy S22 Ultra, Mi 12 Ultra là những ví dụ tiêu biểu.

Ngoài ra, điện thoại màn hình to thường có nhiều không gian trong thân máy để bố trí thêm linh kiện. Nhờ vậy, loại thiết bị này có dung lượng pin cao và khả năng tản nhiệt hiệu quả hơn so với điện thoại nhỏ.

Tuy nhiên, việc smartphone có màn hình lớn khiến người dùng phải đánh đổi bằng trọng lượng và khả năng cầm nắm. Hầu hết mẫu máy có màn hình lớn hơn 6,5 inch đều nặng trên 200 gram. Đây là mức khối lượng có thể gây khó khăn khi sử dụng liên tục trong thời gian dài. Đồng thời, máy quá khổ khiến người dùng khó thao tác bằng một tay, giảm sự tiện dụng trong quá trình trải nghiệm thiết bị.

Hiện tại, mức 6,1 inch đã trở thành tiêu chuẩn cho điện thoại thông minh của các thương hiệu lớn như Samsung, Apple. Mẫu iPhone cơ bản có kích thước 6,1 inch từ đời XR và duy trì qua nhiều phiên bản. Đồng thời, mức 6,1 inch cũng được áp dụng cho chiếc iPhone Pro. Galaxy S22, Pixel 6a cũng dùng kích thước màn hình này.

Ở Mỹ và nhiều quốc gia khác ở châu Âu, đây được xem là chuẩn mực về độ lớn màn hình, giá bán còn model lớn hơn được coi là bản mở rộng hay bản giá cao.

Đoạn tin nhắn châm ngòi chiến tranh giữa ông chủ Binance và FTX

CZ đã nhiều lần cảnh cáo ông chủ FTX nên dừng tay trước khi quá muộn, nhưng Sam Bankman-Fried đã phớt lờ và cho rằng những điều CZ nói là “vô căn cứ”.

Một ngày trước khi phá sản, ông chủ sàn sàn giao dịch FTX, Sam Bankman-Fried, đã nhận được tin nhắn cảnh cáo từ CEO Changpeng Zhao (CZ) của sàn Binance đối thủ. CZ tỏ ra lo lắng rằng việc Sam thao túng các khoản giao dịch tiền số sẽ đẩy thị trường vào nguy cơ sụp đổ.

“Dừng lại ngay đi nếu không muốn gây ra nhiều thảm kịch hơn. Càng nhiều thiệt hại chỉ khiến cậu ngồi tù càng lâu”, Zhao viết trong nhóm chat với Bankman-Fried và các giám đốc tiền mã hóa khác hôm 10/11.

Chỉ một ngày sau, FTX và quỹ đầu tư chị em Alameda Research nộp đơn xin phá sản sau khi CoinDesk tiết lộ nhiều điểm bất thường trong danh mục tài sản của Alameda Research. Sự kiện này đã đẩy FTX vào bờ vực phá sản, khiến CEO Sam Bankman-Fried trắng tay, đối mặt với hàng loạt bản án dân sự và hình sự về tội danh lừa đảo, đồng thời làm cả thị trường tiền mã hóa chao đảo.

Làm ngơ trước lời khuyên của CZ

Theo New York Times, đoạn tin nhắn chưa từng được tiết lộ giữa CZ và Bankman-Fried hôm 10/11 cho thấy các ông lớn trong lĩnh vực tiền số lo ngại rằng ảnh hưởng của thảm họa FTX sẽ càng làm sự bất ổn của thị trường trở nên nghiêm trọng hơn.

Ngoài CZ và Sam, nhóm chat bí mật này bao gồm nhà sáng lập sàn Kraken Paolo Ardoino, Giám đốc công nghệ của Tether. Những vị lãnh đạo đến từ các sàn giao dịch lớn biết rõ rằng chỉ cần một động thái bất thường của một công ty hoặc biến động giá của một đồng tiền số bất kỳ cũng đủ để phá vỡ sự ổn định của cả thị trường.

Với hàng loạt cáo buộc lừa đảo, nhà sáng lập FTX, Bankman-Fried, có thể đối diện với nhiều năm tù, thậm chí là bản án chung thân. Ảnh: Wall Street Journal.

Tin nhan Binance va FTX anh 1
Tin nhan Binance va FTX anh 1
Với hàng loạt cáo buộc lừa đảo, nhà sáng lập FTX, Bankman-Fried, có thể đối diện với nhiều năm tù, thậm chí là bản án chung thân. Ảnh: Wall Street Journal.

Hôm 8/11, Binance thông báo đồng ý mua lại FTX khi sàn này đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Nhưng trong tin nhắn ngày 10/11, CZ lại khẳng định rằng FTX sẽ không thể vượt qua thảm kịch này và lo ngại rằng sẽ kéo cả thị trường xuống dốc theo.

CEO Binance buộc tội Sam vì đã dùng quỹ đầu tư Alameda Research để kéo giá của Tether, một đồng stablecoin neo giá ở mức tương đương một USD. Ông đã chỉ ra một giao dịch trị giá 250.000 USD của Alameda là nhắm đến Tether để phá vỡ tính ổn định của đồng Tether.

“Hả? Tôi làm gì đồng stablecoin cơ? Ông nghĩ chỉ với giao dịch đồng Tether trị giá 250.000 USD mà đã có thể đánh sập nó sao?”, Sam Bankman-Fried phản pháo trong nhóm chat.

Đáp lại, CZ nói rằng ông không khẳng định giao dịch ở khối lượng này sẽ có thể phá hủy đồng Tether nhưng nó vẫn sẽ có rủi ro nhất định. “Lời khuyên chân thành của tôi là hãy dừng tay lại đi”, ông viết. CZ còn khuyên cựu CEO sàn FTX nên nhanh chóng điều trần trước quốc hội Mỹ. “Cảm ơn vì lời khuyên!”, Sam trả lời.

Nhà sáng lập FTX khẳng định không phải lỗi của mình

Theo New York Times, các nhà giao dịch thường dùng Tether thay cho USD để mua các đồng tiền số khác, trở thành phương thức trú ẩn an toàn khi thị trường biến động. Do đó, chuyên gia trong ngành lo ngại rằng nếu Tether mất giá, hiệu ứng domino sẽ xảy ra, khiến cả thị trường sụp đổ.

Nói với New York Times, ông chủ sàn FTX khẳng định những cáo buộc của CZ hoàn toàn vô căn cứ. Sam cho biết giao dịch ở một khối lượng như vậy sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến giá của Tether, đồng thời khẳng định cả ông và Alameda đều không hề cố ý kéo Tether hay các đồng stablecoin rơi khỏi mức neo một USD (de-peg).

“Tôi thừa nhận mình đã mắc rất nhiều sai lầm nhưng chuyện này không phải lỗi của tôi”, ông khẳng định.

Cũng trong ngày 10/11, Binance xác nhận rằng sàn giao dịch này đã bỏ ý định mua lại FTX. Ảnh: Coinphony.

Tin nhan Binance va FTX anh 2
Tin nhan Binance va FTX anh 2
Cũng trong ngày 10/11, Binance xác nhận rằng sàn giao dịch này đã bỏ ý định mua lại FTX. Ảnh: Coinphony.

Theo New York Times, nhiều người cho rằng Tether là một rủi ro tiềm tàng đối với sự ổn định của thị trường tài chính nếu sụp đổ. Về phía Tether, họ luôn khẳng định stablecoin này được ràng buộc với USD để duy trì giá trị ổn định.

Do đó, nếu có khủng hoảng xảy ra, các nhà đầu tư hoàn toàn có thể quy về số tiền mặt tương đương. Song, các nhà lập pháp cũng từng cáo buộc Tether là một trò lừa đảo, nói dối về ngân quỹ, làm dấy lên lo ngại rằng lượng Tether sẽ không đủ để duy trì giá trị cho đồng tiền.

Cựu CEO FTX là một trong những nhà đầu tư lớn của Tether. Trước khi đạt thỏa thuận mua lại với sàn Binance, ông đã gặp các giám đốc cấp cao của Tether ở Bahamas để vay tiền và giải quyết các lo ngại về thanh khoản, một nguồn tin nội bộ cho biết.

Sự lụi tàn của ngành khai thác tiền số tại châu Á

Cơn sốt khai thác tiền mã số dường như đã đến hồi kết khi một loạt trại đào lớn tại châu Á tuyên bố đóng cửa.

Từ năm 2020 đến giữa năm 2022, cơn sốt tiền mã hóa đã thu hút hàng triệu người trên khắp châu Á. Từ vùng đất băng giá của Kazakhstan đến các quán rượu ngầm ở Jakarta, tiền số dần trở thành phương tiện kiếm tiền tiềm năng đối với nhiều người.

Tuy nhiên, sau khi Bitcoin đạt mức cao nhất mọi thời đại 68.789 USD vào tháng 11/2021, nỗi ám ảnh toàn cầu về tiền mã hóa đã dần trở nên tồi tệ hơn. Vào tháng 5, dự án LUNA sụp đổ đã tạo ra một phản ứng dây chuyền, làm mất ổn định các sàn giao dịch và khiến người dùng không còn niềm tin vào lĩnh vực. Tới cuối năm, sàn giao dịch FTX tuyên bố phá sản dường như là đỉnh điểm của sự thất vọng.

Thời kỳ thoái trào

Vào cuối năm 2021, những người khai thác tiền mã hóa đã “thống trị” các khu vực hẻo lánh tại Kazakhstan. “Những chú chuột hamster” là cách gọi dành cho các hộ khai thác nhỏ khi họ sử dụng chính nguồn điện ở sân sau để đào tiền số. Trong khi đó, những trại đào lớn thường sở hữu các khu vực được trang bị CPU mạnh mẽ và hoạt động trong điều kiện lạnh giá.

Tuy nhiên, các công ty khai thác tại Kazakhstan sớm bị ảnh hưởng nặng nề bởi hệ thống lưới điện xuống cấp và giá tiền mã hóa lao dốc. Vào tháng 1, chính phủ Kazakhstan đã cắt nguồn điện của các công ty khai thác vì tình trạng thiếu năng lượng trên diện rộng. Sau đó, đất nước này buộc phải sử dụng nguồn điện đắt đỏ từ Nga để thay thế.

“Hầu hết thợ đào khai thác hợp pháp đều đã cắt giảm hoạt động của họ. Không phải lúc nào Nga cũng cung cấp nguồn điện ổn định”, Din-mukhammed Matkenov, người sáng lập công ty khai thác BTC KZ nói với Rest of World.

Tới tháng 2, công ty BTC KZ đã cân nhắc đến việc chuyển trang thiết bị sang Nga hoặc khu vực Mỹ Latin. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không xảy ra. Thay vào đó, các linh kiện được công nhân tháo rời để di chuyển hoặc bán bớt nhằm cắt giảm hoạt động.

Khai thac tien ma hoa anh 2
Nhiều thợ đào tại Kazakhstan tháo linh kiện cấu hình cao để bán lại cho game thủ. Ảnh: Rest of World.

Ngoài ra, Marat, một thợ mỏ không chuyên cũng đã ngừng công việc đào tiền số để tập trung vào đầu cơ bất động sản. Chia sẻ với Rest of World, Marat cho biết anh đang đợi giá Ethereum đạt 1.900 USD để tiếp tục khai thác.

“Nếu không đạt mức giá kỳ vọng, chúng tôi sẽ bán bộ xử lý đồ họa của mình cho các game thủ. Việc đào coin hiện không đáng với công sức bỏ ra”, Marat chia sẻ.

Hiện tại, những người hoạt động trong lĩnh vực khai thác tiền mã hóa ở Kazakhstan đang chịu áp lực lớn khi chính phủ siết chặt lĩnh vực bằng các mức thuế cao. Theo đó, lĩnh vực khai thác tiền mã hóa đang phải thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế tiêu thụ điện (dự kiến ​​tăng gấp 10 lần từ tháng 1/2023).

Thậm chí, trong luật mới được hạ viện tại Kazakhstan thông qua, các công ty cần phải trả thêm tiền giấy phép và mua điện tại các cuộc đấu giá tập trung. “Tổng thống Kazakhstan đã khuyến khích các nhà đầu tư đến quốc gia này. Tuy nhiên, mọi chuyện hóa ra chỉ tốt đẹp trên giấy tờ”, ông Matkenov nói thêm.

Hết nóng tại Đông Nam Á

Điều tương tự dường như cũng xảy ra ở Indonesia. Một năm trước, người dân tại Indonesia có thể dễ dàng tham gia vào làn sóng tiền mã hóa chỉ với một chiếc điện thoại thông minh. Từ năm 2020-2021, giá trị của hoạt động giao dịch tiền mã hóa ở Indonesia đã tăng hơn 10 lần, lên khoảng 50 tỷ USD.

Vào tháng 11/2021, nhạc sĩ indie Ananda Badudu chia sẻ với Rest of World rằng anh là một người đam mê khai thác NFT. Đến tháng 12/2022, chủ nghĩa lý tưởng của Badudu đã sụp đổ khi các khoản đầu tư của anh nhanh chóng bốc hơi sau hàng loạt tin xấu của thị trường tiền mã hóa.

“Tại thời điểm này, tôi không biết liệu tất cả chỉ là một trò lừa đảo hay khoản đầu tư hợp pháp. Nhiều công ty tiền mã hóa đáng ngờ đã xuất hiện nhưng không có quy định nào để kiểm soát điều này”, Badudu nói với Rest of World.

Nhà đầu tư Indonesia tỏ ra dè chừng khi đầu tư vào lĩnh vực tiền mã hóa trong năm nay. Ảnh: Reuters.

Khai thac tien ma hoa anh 3
Khai thac tien ma hoa anh 3
Nhà đầu tư Indonesia tỏ ra dè chừng khi đầu tư vào lĩnh vực tiền mã hóa trong năm nay. Ảnh: Reuters.

Ngoài ra, hàng loạt nhóm về tiền mã hóa từng hoạt động trên Telegram tại Indonesia giờ đã không còn giá trị. Antonny Teo, người sáng lập kênh Kriptonesian, một trong những cộng đồng tiền số lớn nhất ở Indonesia, chia sẻ anh đã mất khoảng 50% người theo dõi tính từ khi đạt số thành viên kỷ lục. Hiện tại, nhóm Kriptonesian chỉ còn khoảng 7.000 thành viên.

Trong khi đó, Agus Artemiss, người sáng lập nhóm Cryptoiz với hơn 13.500 người trên Telegram, nói rằng “mùa đông tiền mã hóa” đã biến lĩnh vực trở thành một trò chơi sinh tồn. Ông Artemiss nhận định những đồng tiền đáng tin cậy có khả năng tồn tại, trong khi các coin rác sẽ biến mất mãi mãi.

Vào tháng 8, cơ quan quản lý đầu tư của Indonesia là Bappebti đã thống kê được khoảng 16 triệu nhà đầu tư tiền mã hóa. Ngoài ra, Bộ Thương mại Indonesia cho biết con số này vẫn tiếp tục tăng nhưng tổng giá trị giao dịch đã giảm hơn 50%.

Nhà đầu tư dè chừng

Vào năm 2021, khi Trung Quốc cấm tất cả hoạt động tiền mã hóa, nhiều người đã kỳ vọng Singapore có trở thành thiên đường mới cho các nhà đầu tư và sàn giao dịch.

Tuy nhiên, việc cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) chần chừ trong việc cấp giấy phép đã khiến các sàn giao dịch gặp khó khăn. Trong số hàng trăm đơn đăng ký kể từ khi đạo luật cấp phép có hiệu lực từ tháng 1/2020, chỉ có 10 đơn được thông qua.

Trong khi đó, đối với những người Singapore, sự sụp đổ của FTX gây ra hậu quả rất nghiêm trọng. Vào mùa thu năm 2021 và mùa đông năm nay, chính phủ Singapore đã đầu tư khoản tiền khổng lồ 275 triệu USD vào sàn giao dịch FTX thông qua quỹ đầu tư nhà nước Temasek, theo Rest of World.

Trên thực tế, nhà đầu tư Singapore thường xuyên sử dụng FTX vì đây là sàn giao dịch được chính phủ cấp phép. Ngược lại, Binance đã bị MAS cấm từ cuối năm 2021 do sàn giao dịch này không đáp ứng các quy định về rửa tiền và minh bạch.

“Chính phủ buộc chúng tôi phải sử dụng FTX nếu muốn giao dịch thông qua một sàn lớn”, Ferris Frederick Francis, đồng sáng lập dự án NFT Singapore Cryptobengz nói với Rest of World.

Sean, một nhà đầu tư tại Singapore với tên đã được thay đổi, cho biết bản thân đã mất hơn 50% giá trị tài sản ròng kể từ khi FTX sụp đổ vào đầu tháng 11. Thậm chí, anh chỉ phát hiện ra điều này khi đang đi nghỉ cùng gia đình.

“Tôi là người mất nhiều nhất trong số tất cả bạn bè của mình. Tôi đã thực sự thất vọng. Nó khiến tôi đặt câu hỏi về cách đánh giá của chính mình”, Sean cho biết.

Loại iPhone chính hãng giá mềm không xuất hiện tại Việt Nam

Các sản phẩm di động tân trang được nhiều người lựa chọn ở thị trường phương Tây do rẻ hơn, được hãng đảm bảo. Tuy nhiên, chúng không phổ biến tại Việt Nam.

Apple, nổi bật với các máy điện thoại đắt tiền, là thương hiệu dẫn đầu ở mảng điện thoại tân trang. Samsung cũng đẩy mạnh loại thiết bị này để cạnh tranh ở các thị trường lớn. Trên chính website của hãng hoặc các trang thương mại điện tử lớn ở Mỹ, người dùng có thể tìm thấy các dòng iPhone, Galaxy tân trang với mức giá rẻ hơn từ 200 USD so với máy mới.

Làm mới máy lỗi, trả bảo hành trở thành cuộc cạnh tranh của của các ông lớn trong giai đoạn toàn ngành bất ổn. Tuy nhiên, bởi các quy định của pháp luật hiện hành và dung tích thị trường chưa đủ lớn, khiến sản phẩm di động tân trang không có chỗ đứng tại Việt Nam.

Trào lưu mới ở phương Tây

Điện thoại tân trang (refurbished) là sản phẩm đã qua sử dụng, gặp vấn đề phần cứng hoặc phần mềm, được hãng thu hồi để sửa chữa bằng dịch vụ và linh kiện chính hãng. Sau đó, Apple, Samsung đứng ra bán thiết bị này như một sản phẩm mới, được đảm bảo.

Đầu vào của các sản phẩm dạng này là từ máy gặp lỗi, thuộc chính sách đổi trả được các thương hiệu lớn áp dụng. Ngoài ra, các chương trình trade-in (thu cũ, đổi mới) được đẩy mạnh 3 năm gần đây cũng tạo ra nhiều máy cũ để tân trang hơn.

Các chương trình trade-in tạo nguồn thiết bị đầu vào để tân trang. Ảnh: Apple.

dien thoai tan trang anh 1
dien thoai tan trang anh 1
Các chương trình trade-in tạo nguồn thiết bị đầu vào để tân trang. Ảnh: Apple.

Dữ liệu từ hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Research cho thấy mức tăng trưởng trung bình của mảng điện thoại tân trang là 15% mỗi năm. Trong khi đó, tình hình không khả quan ở ngành điện thoại mới, khi chỉ số tăng không quá 5%/năm và còn có chu kỳ giảm khi thị trường bão hòa, kinh tế khó khăn.

“Giá của các loại smartphone cao cấp mới đang ở mức cao khiến nhiều người chuyển sự lựa chọn sang thiết bị cũ tân trang của những thương hiệu lớn như Samsung, Apple”, báo cáo của Counterpoint Research nêu rõ. Trong đó, Apple là công ty dẫn đầu ở ngành kinh doanh này với các sản phẩm nổi bật như iPhone 8, iPhone X, iPhone 13.

Samsung, Apple bán điện thoại tân trang ngay trên website chính thức. Ảnh: Samsung, Apple.

dien thoai tan trang anh 3

Samsung, Apple bán điện thoại tân trang ngay trên website chính thức. Ảnh: Samsung, Apple.

dien thoai tan trang anh 2
dien thoai tan trang anh 2dien thoai tan trang anh 3
Samsung, Apple bán điện thoại tân trang ngay trên website chính thức. Ảnh: Samsung, Apple.

Samsung cũng tập trung hơn vào mảng kinh doanh này. Hiện tại, website chính thức của công ty Hàn Quốc tại thị trường Mỹ giới thiệu trực tiếp nhiều mẫu máy tân trang như dòng S20, S21. Châu Âu, Bắc Mỹ, Mỹ Latin, Ấn Độ là những khu vực có tăng trưởng tốt của loại sản phẩm di động nói trên. Trong khi đó, người dùng khu vực châu Á tỏ ra không “mặn mà” với kiểu máy này.

Không phù hợp với thị trường Việt Nam

Phổ biến với nhiều khu vực trên thế giới, nhưng mô hình kinh doanh điện thoại tân trang không phổ biến tại thị trường Việt Nam. Hiện tại, Samsung, Apple không phát hành loại hình thiết bị này cho người dùng trong nước. Website của các đại lý lớn, chính hãng như Thế Giới Di Động, FPT Shop, CellphoneS… cũng không đề cập đến dạng sản phẩm nói trên.

Theo đại diện hệ thống bán lẻ CellphoneS, quy mô thị trường và quy định luật lệ là những rào cản khiến di động tân trang khó tiếp cận.

Nguồn máy đầu vào tại Việt Nam không đủ cho dịch vụ tân trang. Ảnh: TN3.

dien thoai tan trang anh 4
dien thoai tan trang anh 4
Nguồn máy đầu vào tại Việt Nam không đủ cho dịch vụ tân trang. Ảnh: TN3.

Cụ thể, nguồn gốc của sản phẩm điện thoại tân trang, sửa chữa là từ máy đã gặp vấn đề. Do đó, thiết bị được xếp vào loại mặt hàng điện tử cũ. Trong khi đó, quy định của pháp luật Việt Nam cấm nhập khẩu các loại thiết bị điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng.

Trong quá khứ, một số đại lý, cửa hàng di động trong nước cũng từng kinh doanh các dòng iPhone, Samsung Refurbished. Tuy nhiên, đây cũng là sản phẩm được nhập theo đường tiểu ngạch, không đảm bảo các quy định của pháp luật.

Ngoài ra, tại Việt Nam chính sách đổi trả máy bảo hành hoặc thu cũ-đổi máy mới vẫn chưa phổ biến. Hiện tại, chỉ một số đại lý áp dụng chính sách đổi sang máy mới khi gặp vấn đề trong thời gian bảo hành. Thiết bị cũ được phía doanh nghiệp xử lý hoặc gửi cho hãng thay thế linh kiện. Sau đó, họ tự bán máy dưới dạng hàng cũ với giá rẻ hơn, số lượng không nhiều.

Trong khi đó, các chương trình trade-in vẫn chưa thu hút được khách hàng trong nước. Nhiều đại lý cho biết tỷ lệ khách bán máy cũ, lên đời tại cửa hàng ở mức dưới 10% trên tổng số máy bán ra, tỷ trọng khá nhỏ. Do đó, nguồn “đầu vào” cho hệ thống tân trang không đủ.

Thực tế, đa phần chương trình thu cũ đổi mới tại các đại lý Việt Nam được thực hiện qua một đơn vị bên thứ 3. Comp Asia và SKTEL là hai công ty chuyên thực hiện thu mua, làm mới và phân phối trở lại thiết bị qua sử dụng.

Việc thiếu vắng dòng thiết bị qua sử dụng, được tân trang và bảo hành chính hãng làm giảm bớt đi lựa chọn cho người dùng Việt. Nếu cần mua máy cũ, khách hàng đa phần phải tìm đến thị trường thứ cấp trên các trang rao vặt hoặc máy xách tay, nhập lậu.