Sau Hội nghị với doanh nghiệp, Chính phủ sắp ban hành Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản; Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP về TPDN riêng lẻ sắp ban hành… là tâm điểm ngân hàng tuần qua.
Tín dụng vẫn là “nguồn sữa” chính cho doanh nghiệp bất động sản
Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty GP.INVEST tại Hội nghị về tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản.
Ngày 17/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty GP.INVEST cho biết, hiện công ty GP.INVEST đang mở rộng hoạt động sang các địa bàn ngoài Hà Nội, cụ thể đang triển khai Dự án Palm Manor ở Việt Trì – Phú Thọ giai đoạn 1 là 28 ha với tổng mức đầu tư khoảng 3.270 tỷ đồng. Dự án được phê duyệt quy hoạch năm 2012 và phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 2/2013 với quy mô cả hai giai đoạn là 58,5 ha.
Ở thời điểm đó, dự án được Bộ Tài Nguyên và Môi trường chấp thuận cho thực hiện công tác giải phóng mặt theo hình thức Nhà nước thu hồi đất, bàn giao cho chủ đầu tư. Giá đền bù từ năm 2013 đến nay không thay đổi, trong khi quá trình đền bù kéo dài từ 2013, đến nay dẫn đến tình trạng phức tạp so kè giữa người nhận trước và nhận sau, nếu đền bù theo mặt bằng giá mới thì người nhận trước lại đòi bổ sung, còn nếu tự thỏa thuận lại vi phạm quy định về dự án Nhà nước thu hồi.
Mặt khác mặc dù chính quyền địa phương ủng hộ tích cực, nhưng khi đưa ra giá đền bù theo quy định thì lại vấp phải sự không đồng thuận của người dân.
Tháng 8/2022, với sự vào cuộc quyết liệt của cả bộ máy, chính quyền địa phương đã tổ chức cưỡng chế bảo vệ thi công cho chủ đầu tư đợt 1 được 7,2 ha tuy vẫn còn một vài điểm “xôi đỗ” nhưng phần còn lại của dự án vẫn đang chờ cách tháo gỡ về giá đền bù và phương pháp xử lý cụ thể để có thể dứt điểm được công tác giải phóng mặt bằng cho dự án.
Mặc dù đây là dự án được tỉnh Phú Thọ xếp vào dự án trọng điểm của tỉnh nhưng thực sự vướng mắc là do cơ chế đền bù quy định ở giai đoạn trước khi có Luật Đất đai 2013. Đây là khó khăn kéo dài làm phát sinh nhiều chi phí và thời gian của chủ đầu tư. Ông mong Thủ tướng và Tổ công tác Chính phủ có biện pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp để dự án có thể triển khai dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng 28ha trong năm nay.
Ngoài dự án Palm Manor ở Việt Trì, hiện doanh nghiệp đang chuẩn bị một loạt dự án khác với tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.
“Quan điểm của GP.INVEST là bên cạnh việc sử dụng vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp chỉ dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và đối tác, kể cả đối tác nước ngoài để bổ sung nguồn vốn”’, ông Hiệp nói.
Tại hội nghị, doanh nghiệp đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép sử dụng tài sản hình thành trong tương lai của chính dự án nếu như phương án kinh doanh đảm bảo có hiệu quả mà không phải sử dụng tài sản đảm bảo độc lập khác. Doanh nghiệp cũng đề nghị NHNN chỉ đạo xem xét lại hệ số rủi ro khi đánh giá các khoản vay bất động sản cho từng trường hợp cụ thể tuỳ thuộc vào tín nhiệm của từng khách hàng, từng dự án mà không đánh giá hệ số rủi ro đồng loạt 200% đối với tất cả các chủ đầu tư.
Về tổng thể, doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có biện pháp chỉ đạo để hạ lãi suất sớm nhất, vì chỉ số CPI cũng như giá trị đồng Việt Nam so với ngoại tệ đều ổn định vì vậy mong Ngân hàng Nhà nước sớm có biện pháp chỉ đạo đồng loạt hạ lãi suất nhiều hơn nữa.
Ông đề nghị Thủ tướng giao thẩm quyền cho Tổ công tác yêu cầu các địa phương phải tập hợp cập nhật báo cáo những dự án bị chậm thường xuyên và nêu nguyên nhân cụ thể và đề xuất hướng giải quyết để Tổ công tác xử lý (ví dụ về giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch, định giá đất …).
Sắp có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở giá rẻ
4 ngân hàng quốc doanh dành một gói tín dụng cho phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trị giá 120.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay bình quân trong từng thời kỳ.
Phát biểu tại Hội nghị “Tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” ngày 17/2, Thống đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đánh giá, thị trường bất động sản có vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế và có mối liên hệ chặt chẽ với nhiều ngành sản xuất.
Thống đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng |
Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cũng sẽ giúp khơi thông hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế. Trong những năm qua, thị trường này có tăng trưởng cao, tuy nhiên hiện thị trường này đang gặp một số khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, 4 ngân hàng thương mại nhà nước thống nhất dành một gói tín dụng cho phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trị giá 120.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.
Liên quan đến đề xuất của Bộ Xây dựng về gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho xây dựng Dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, NHNN nhận thấy, việc có một gói tín dụng riêng cho lĩnh vực này là cần thiết, để tăng cung về nhà ở xã hội, giúp giảm mất cân đối với thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, theo đại diện NHNN, nguồn vốn từ đâu cũng phải cân nhắc, tức là với nguồn vốn từ tái cấp vốn, là cung ứng tiền ra với thời gian dài hạn, có thể làm giảm tính linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ. Vì vậy, cần tính toán nguồn vốn tổng thể trên cơ sở chính sách tiền tệ cũng đang thực hiện nhiều chỉ đạo của Chính phủ về tái cơ cấu như tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng,… và ở các lĩnh vực, các ngành kinh tế khác.
Nhưng theo Thống đốc, NHNN đã họp với 4 ngân hàng thương mại Nhà nước. Các ngân hàng thương mại Nhà nước cũng thống nhất dành một gói tín dụng cho lĩnh vực này trị giá 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.
“NHNN sẽ giao đơn vị theo dõi, tổ chức, triển khai chương trình này. Chúng tôi sẽ thông báo cho các ngân hàng khác nếu các ngân hàng khác tham gia thì gói này có thể sẽ được nhiều hơn”, bà Nguyễn Thị Hồng nói. Trong quá trình triển khai, nếu các ngân hàng tham gia mà bị thiếu hụt về thanh khoản thì NHNN sẵn sàng tái cấp vốn cho để triển khai tiếp”, Thống đốc thông tin.
Về lãi suất, NHNN đang cố gắng điều hành, điều tiết tiền tệ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để làm sao cố gắng giảm mặt bằng lãi suất.
“Về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chúng tôi thấy nhiều ý kiến, đó là Bộ Xây dựng cần rà soát tất cả các dự án, xem dự án nào mang tính đầu cơ, dự án gắn với sản xuất kinh doanh, gắn với thương mại và dịch vụ, thì sẽ có ứng xử và giải pháp tháo gỡ riêng. Chúng tôi sẽ chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục làm việc doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường này”, Thống đốc NHNN nhấn mạnh.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế, hiện có 6 thành tố chi phối và tác động đến thị trường bất động sản. Đó là tài chính; quy hoạch và cơ sở hạ tầng; tính pháp lý; thông tin, dữ liệu, tính minh bạch; mối quan hệ cung – cầu và giá; kinh tế vĩ mô. TS Lực cho rằng, nếu đánh giá nguyên nhân sụt giảm hay tăng mạnh thì cũng đều phải xoay quanh 6 thành tố này, gồm cả tác động trước mắt và lâu dài.
Đây là lý do TS. Lực đề xuất 3 giải pháp. Thứ nhất cần phải giải quyết các vấn đề về pháp lý. Thứ hai, là gỡ nút thắt vốn (trong đó có trái phiếu doanh nghiệp bất động sản). Thứ ba, phải tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với thị trường bất động sản.
TS. Lực cũng kiến nghị, NHNN nên cân nhắc sớm cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng ngay trong tháng này để tổ chức tín dụng chủ động triển khai thực hiện sớm. Đồng thời, NHNN kiểm soát rủi ro tín dụng bằng cách điều chỉnh lại hệ số rủi ro đối với các phân khúc bất động sản.
Cân nhắc điều chỉnh Thông tư 16, Thông tư 22 và khi sửa Thông tư 39 theo hướng cho phép các tổ chức tín dụng đầu tư nhiều hơn vào trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm an toàn đối với trái phiếu doanh nghiệp và cho vay góp vốn, tài trợ chuyển nhượng dự án.
Dự thảo sửa Nghị định 65: Muốn gia hạn nợ trái phiếu, doanh nghiệp phải được trái chủ đồng ý
Bộ Tài chính cho biết đã có tờ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu riêng lẻ vào ngày 6/2/2023. Dự thảo mới có nhiều thay đổi đáng chú ý.
So với dự thảo công bố cuối năm 2022, dự thảo lần này có nhiều thay đổi đáng chú ý. Điểm chú ý đầu tiên là tên nghị định. Theo dự thảo mới, nghị định sẽ có tên là: “Nghị định sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số quy định tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và quốc tế”. Trước đó, Bộ tài chính đặt tên Nghị định là Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022/NĐ-CP.
Về nội dung, dự thảo có một số quan trọng đáng chú ý. Trong đó, điểm quan trọng đầu tiên là dự thảo cho phép ngưng hiệu lực thi hành đối với các quy định tại Nghị định số 65 đến hết ngày 31/12/2023, bao gồm: quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân (chưa nâng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp); quy định về bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đến hết ngày 31/12/2023; rút ngắn thời gian phân phối trái phiếu từng đợt phát hành.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong bối cảnh khó khăn thanh khoản như hiện nay, việc ngưng thời gian thực hiện quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đến hết 31/12/2023 theo ý kiến của một số doanh nghiệp có thể duy trì được nhu cầu mua TPDN của các nhà đầu tư cá nhân có tiềm lực tài chính song chưa đáp ứng được điều kiện của Nghị định 65/2022/NĐ-CP.
Trong quá trình lấy ý kiến, Bộ Tài chính trình Chính phủ lấy ý kiến thành viên Chính phủ theo 2 phương án, gồm cả phương án hoãn một năm như dự thảo và phương án tiếp tục thự chiện theo Nghị định 65. Tuy vậy, trên cơ sở các bộ, ngành, Bộ Tài chính trình Chính phủ nghiêng về phương án 1 nhằm giúp doanh nghiệp khó khăn trước mắt về thanh khoản và thanh toán các trái phiếu đến hạn năm 2023-2024.
Với xếp hạng tín nhiệm, theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong khi thực hiện xếp hạng tín nhiệm phải mất một khoảng thời gian nhất định và tăng thêm chi phí phát hành của doanh nghiệp, ngoài ra trên thị trường hiện nay mới có 02 doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm được cấp phép, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép ngưng thực hiện quy định về bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đến hết ngày 31/12/2023; từ ngày 01/1/2024 sẽ thực hiện quy định này. Dù vậy, Bộ vẫn khuyến khích doanh nghiệp chủ động tự nguyện thực hiện xếp hạng tín nhiệm. Đối với TPDN chào bán ra công chúng, vẫn thực hiện theo lộ trình tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, phải xếp hạng tín nhiệm từ ngày 01/1/2023.
Việc hoãn quy định về giảm thời gian phân phối trái phiếu mỗi đợt từ 90 ngày xuống 30 ngày cũng với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp có thêm thời gian cân đối, huy động các nguồn lực để thanh toán nghĩa vụ trả nợ.
Bên cạnh ngưng một số quy định thêm một năm, dự thảo Nghị định trên còn hai điểm chú ý quan trọng khác.
Thứ nhất, dự thảo quy định doanh nghiệp được thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác.
Theo đó, với trái phiếu chào bán trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc và lãi theo phương án đã công bố thì doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác, trên cơ sở đảm bảo 3 nguyên tắc.
Nguyên tắc thứ nhất, phải tuân thủ quy định của pháp luật dân sự, pháp luật chuyên nghành và pháp luật có liên quan. Nguyên tắc thứ hai phải được chủ sở hữu trái phiếu chấp thuận. Nguyên tắc thứ ba, doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định pháp luật.
Theo Bộ Tài chính, cơ sở của quy định này là Điều 286 Bộ luật Dân sự năm 2015 và quy định pháp luật liên quan đã cho phép doanh nghiệp có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác. Bộ Tài chính cũng đã trình Bộ Tư pháp thẩm định quy định này.
Thứ hai, dự thảo Nghị định cho phép doanh nghiệp phát hành được đàm phán để kéo dài kỳ hạn trái phiếu.
Theo đó, với trường hợp kéo dài kỳ hạn của trái phiếu, dự thảo quy định thời hạn tối đa không quá hai năm so với phương án phát hành đã công bố với nhà đầu tư. Đối với trái chủ không chấp nhận thay đổi điều kiện, điều khoản của TPND thì doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đàm phán đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Nếu trái chủ vẫn không chấp nhận phương án đàm phán thì doanh nghiêp phải trả đầy đủ gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn và phải thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho trái chủ theo đúng phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.
Bộ tài chính khẳng định, quy trịnh tại dự thảo Nghị định phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, bao gồm thực hiện quyết liệt các giải pháp ổn định, tháo gỡ khó khăn cho thị trường TPDN thông qua các biện pháp linh hoạt, phù hợp với quy định pháp luật.
Hơn 1 triệu tỷ đồng tín dụng, trái phiếu bất động sản: Ai cứu, cứu cách nào?
Các doanh nghiệp bất động sản đang nợ ngân hàng và trái chủ hơn 1,2 triệu tỷ đồng, chưa kể nhu cầu vay mới. Một cuộc thanh lọc trong thị trường bất động sản là không thể tránh khỏi, ngay cả với các tập đoàn “sân sau” của ngân hàng.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước – NHNN), riêng dư nợ cho vay với bất động sản kinh doanh năm 2022 lên tới 825.000 tỷ đồng, trong đó tập trung lớn nhất vào các Dự án xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở. Còn theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tính đến cuối năm 2022, dư nợ trái phiếu riêng lẻ hiện hữu của các doanh nghiệp bất động sản khoảng 419.000 tỷ đồng.
Như vậy, qua hai kênh tín dụng và trái phiếu, các doanh nghiệp bất động sản đang vay tới 1,24 triệu tỷ đồng. Báo cáo tài chính quý IV/2022 cho thấy, tính đến cuối năm 2022, nợ phải trả của nhiều doanh nghiệp bất động sản gấp 4-5 lần vốn chủ sở hữu.
Tiền đang chảy ngập vào bất động sản, vậy tại sao hàng loạt doanh nghiệp ngành này vẫn đứng trước nguy cơ vỡ nợ? Tiền đang chảy đi đâu?
Theo lý giải của một chuyên gia kinh tế, các năm trước, dòng tiền luân chuyển nhịp nhàng từ ngân hàng (tín dụng), cá nhân (trái phiếu, người mua trả trước) sang doanh nghiệp và cứ thế quay vòng liên tục. Tuy nhiên, từ nửa cuối năm ngoái, dòng tiền đã bị “nhốt” ở ngân hàng và cá nhân, không còn quay trở lại doanh nghiệp, trong khi 2 kênh huy động vốn khác là chứng khoán và trái phiếu đều khó khăn, gây nên cảnh khát vốn diện rộng.
Trong bối cảnh dòng vốn bế tắc, các doanh nghiệp bất động sản đang trông chờ ngân hàng giải cứu, bởi đây là kênh bơm vốn khả dĩ nhất trong bối cảnh hiện nay. Tuy vậy, tại hội nghị tín dụng bất động sản tuần qua, một loạt kiến nghị của doanh nghiệp bất động sản (cơ cấu nợ, giảm điều kiện tiếp cận tín dụng…) đã bị ngành ngân hàng từ chối bởi lý do an toàn hệ thống.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc yêu cầu ngân hàng tham gia giải cứu doanh nghiệp bất động sản là phi thị trường và rất rủi ro cho toàn hệ thống. Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp và phải tuân thủ các chuẩn mực quản trị rủi ro để bảo vệ lợi ích của mình, của cổ đông và người gửi tiền.
Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, tín dụng có tác động rất lớn đến sự hồi phục của thị trường bất động sản, song không thể rót vốn dễ dãi. “Phải phân loại các doanh nghiệp có dự án tốt, có khả năng phục hồi. Chỉ các dự án này mới được ngân hàng ưu tiên rót vốn”, ông Nghĩa nói.
Ai có thể cứu doanh nghiệp, thị trường bất động sản?
Tín dụng được coi là liều “doping” cho thị trường bất động sản lúc này. Tuy vậy, gần như chắc chắn là khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp bất động sản sẽ rất khó.
Tại BIDV, Vietcombank, VietinBank…, dư nợ cho vay bất động sản lên tới 18-20% tổng dư nợ, song 80-90% tập trung ở cá nhân mua nhà, tức tập trung vào nhu cầu ở thực. Trong khi đó, các ngân hàng đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp thời gian qua như Techcombank có xu hướng giảm cho vay đối tượng khách hàng này nhằm tăng quản trị rủi ro.
Ở nhóm ngân hàng nổi tiếng vì mối quan hệ mật thiết với các tập đoàn bất động sản khác, việc tăng trưởng tín dụng cho sân sau cũng sẽ rất khó khăn vì đang bị lọt vào tầm ngắm.
Thống đốc NHNN khẳng định, thời gian tới, sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra các ngân hàng dồn cho vay vốn cho các doanh nghiệp, tập đoàn, dự án sân sau của mình.
Để tín dụng có thể “giải cứu” bất động sản, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp phải cơ cấu lại phân khúc, tập trung vào các dự án nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở phục vụ nhu cầu ở thực. Đây là phân khúc thị trường có khả năng tiêu thụ tốt, dễ có phương án vay vốn khả thi. Dĩ nhiên, để làm được điều này, các địa phương phải tăng tốc tháo gỡ thủ tục pháp lý, cấp phép dự án mới.
Trước mắt, để thoát khỏi tình cảnh vỡ nợ, theo PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, doanh nghiệp bất động sản chỉ có các lựa chọn sau: giảm sâu giá bất động sản, đưa giá nhà về mức phù hợp để kích thích dòng tiền từ người mua; liên doanh, liên kết để tìm thêm nguồn vốn bổ sung cho các dự án sắp hoàn thành, có sản phẩm đưa ra thị trường; với các dự án chưa khởi công hoặc không có khả năng hoàn thiện, buộc phải giảm giá để bán cả dự án; đàm phán với trái chủ để giãn nợ trái phiếu.
“Trong lúc này, doanh nghiệp phải chấp nhận nhìn vào thực tế, chấp nhận bán rẻ tài sản để hoàn thành nghĩa vụ trả nợ và có vốn đầu tư, giữ uy tín, ‘chờ thời’ để làm lại”, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Cũng theo chuyên gia này, cần cân nhắc sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP một cách toàn diện, chứ không nên theo hướng ân hạn 1-2 năm như dự thảo mà Bộ Tài chính đưa ra thời gian qua. Các quy định mà nghị định này đưa ra quá chặt, gây khó khăn cho cả nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp phát hành. Việc ân hạn 1-2 năm không có nhiều ý nghĩa, bởi thị trường sẽ khó khăn không chỉ vài năm và niềm tin của nhà đầu tư không thể sớm lấy lại.
Lãi suất tiết kiệm có chiều hướng giảm nhẹ, nhưng khó kỳ vọng giảm mạnh trong nửa đầu năm nay trước áp lực Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) còn tăng lãi suất và các ngân hàng tăng huy động để cơ cấu lại nguồn vốn.
Trên bảng niêm yết, hầu hết các ngân hàng đã đưa lãi suất tiết kiệm về mức tối đa 9,5%/năm đối với kỳ hạn dài ngày trên 1 năm và chạm trần 6%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh khá gay gắt, các ngân hàng đã ra sức chào mời những gói tiền gửi hấp dẫn, lãi suất có nơi đã trên 9-9,35%/năm kỳ hạn 6-12 tháng.
Ở kỳ hạn 1-3 tháng, các ngân hàng có mức lãi suất cao nhất 6%/năm cụ thể là Bắc Á, Đông Á, Kiên Long, PGBank, SCB, VIB, VietCapitalBank… Với kỳ hạn 6 tháng, Đông Á giữ mức lãi suất cao nhất là 9,35%; MB đưa ra mức thấp nhất 5,7%. Tại các ngân hàng thuộc Big4, BIDV, Vietcombank và VietinBank đưa ra mức lãi suất 6%/năm; Agribank là 6,1%/năm.
Trong khi đó, ở kỳ hạn 12 tháng trở lên, các ngân hàng có lãi suất cao nhất là NCB, SCB, PGBank, VietABank…, với mức 9,5%/năm. Hình thức gửi tiết kiệm online có mức lãi suất hấp dẫn hơn gửi tại quầy. Thị trường vẫn tồn tại tình trạng một số nhà băng thỏa thuận “ngầm” lãi suất với khách hàng khi cộng thêm biên độ 0,5-1% cho số tiền lớn, kỳ hạn gửi trên 1 năm.
Mới đây, tại hội nghị về công tác tín dụng, tổng giám đốc các ngân hàng thương mại đã thống nhất giảm lãi suất huy động về mức tối đa 8,7%/năm, thay vì 9,5%/năm như cam kết với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trước đó. Thế nhưng, các ngân hàng nhỏ và vừa vẫn duy trì mức lãi suất cao.
TS. Trần Du Lịch, chuyên gia tài chính cho rằng, theo quy định của Thông tư 08/2020/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 22/2019/TT-NHNN, các ngân hàng phải giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống mức 30%, thay vì 34% hiện nay và tiếp tục giảm thêm sau đó. Điều này gia tăng áp lực đối với các ngân hàng có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn cao, nên phải huy động nguồn vốn dài hạn, khiến chi phí vốn cao hơn cơ cấu nguồn.
Theo các chuyên gia phân tích của Fiin Group, thanh khoản thị trường chưa thể sớm cải thiện do ách tắc về giải ngân vốn đầu tư công, thiếu các biện pháp mang tính hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản. Trong khi đó, trên thế giới, Fed tiếp tục lộ trình tăng lãi suất, có thể tăng lên mức 5% năm nay và duy trì mức này đến hết năm 2023. Với tác động kép này, lãi suất VND chưa thể giảm ít nhất 6-12 tháng tới.
Fiin Group đánh giá, lạm phát trên thế giới hiện vẫn khá cao so với mục tiêu, do đó Fed sẽ tăng thêm lãi suất điều hành và duy trì ở mức 5% đến cuối năm 2023, cũng như tiếp tục chính sách thắt chặt định lượng, làm tăng rủi ro suy thoái ở các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Theo báo cáo từ HSBC, lạm phát toàn phần tiếp tục nhích lên trong tháng 1/2023, tăng lên 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn một chút so với kỳ vọng của thị trường. HSBC dự báo, rủi ro tăng đối với lạm phát là dấu hiệu cho thấy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể tiếp tục tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ sở trong cả quý I/2023 và quý II/2023, đưa lãi suất điều hành lên 7% vào giữa năm 2023.
Trên cơ sở đó, lãi suất huy động dự báo đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023, với mức tăng 1 – 1,5%. Sở dĩ áp lực lãi suất tiền gửi trong nước còn tăng, theo giới phân tích, là do quá trình tăng lãi suất ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp diễn ít nhất cho tới tháng 6/2023.
Trong khi đó, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) kỳ vọng, thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ được cải thiện trong năm 2023 nhờ nguồn vốn quay trở lại hệ thống sau khi lãi suất VND đã tăng lên mức tương đối hấp dẫn so với USD. Áp lực tỷ giá cũng giảm bớt khi USD suy yếu trên toàn cầu. Chỉ số USD-Index giảm mạnh từ mức đỉnh 114 xuống 104 sau khi lạm phát của Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt.
Chính sách tài khóa theo hướng mở rộng trong năm 2023 của Chính phủ cũng sẽ giúp một lượng tiền lớn quay trở lại hệ thống và làm tăng vòng quay tiền của nền kinh tế. Theo đó, kế hoạch chi đầu tư phát triển năm 2023 là gần 726.700 tỷ đồng, tăng 38% so với kế hoạch năm 2022 và cao hơn 67% số ước thực hiện năm 2022.
Theo ACBS, NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ ở mức tương đối chặt chẽ thông qua công cụ lãi suất, thay vì hạn chế room tín dụng như năm ngoái. Nhìn chung, trạng thái thanh khoản năm 2023 sẽ ở mức tương đối dồi dào, nhưng trên mặt bằng lãi suất cao.
Trong năm 2023, sẽ có khoảng 273.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, gần 38% thuộc về doanh nghiệp bất động sản.
Theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect, áp lực đáo hạn trái phiếu sẽ tăng mạnh trong quý II và quý III/2023.
Cụ thể, lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý II/2023 là 93.139 tỷ đồng, tăng 203,8% so với quý I/2023 và tăng gần 170% so với cùng. Lượng trái phiếu đáo hạn trong quý III/2023 là 89.488 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ.
Sau giai đoạn thách thức này, giá trị đáo hạn trong quý IV/2023 sẽ ở mức 59.571 tỷ đồng, chỉ tăng 16,0% so với cùng kỳ.
VNDirect dự báo, năm 2023, giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp sẽ đạt khoảng 272.853 tỷ đồng, tăng 76,6% so với cùng kỳ. Trong đó, dẫn đầu là ngành bất động sản chiếm tỷ lệ 37,6%, tiếp đến là ngân hàng 37,0% và các lĩnh vực khác. Thống kê của VNDirect chỉ bao gồm các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ năm 2019 tới nay và đã bao gồm các doanh nghiệp phát hành đã thực hiện mua lại trái phiếu trước thời gian đáo hạn.
Như vậy, năm 2023, riêng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đáo hạn lên tới hơn 102.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp bất động sản có giá trị đáo hạn cao nhất trong 2023 bao gồm: CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (14.476 tỷ đồng), CTCP Saigon Glory (7.000 tỷ đồng) và Công ty TNHH Phát triển Bất động sản An Khang (4.960 tỷ đồng).
Với nhóm tài chính ngân hàng, các ngân hàng có giá trị đáo hạn cao nhất trong 2023 gồm: VPBank (13.650 tỷ đồng) và NHTMCP LienVietPostBank (9.900 tỷ đồng)…
Các doanh nghiệp ngành khác có giá trị đáo hạn cao nhất gồm: CTCP Xây dựng Kiến Hưng Thịnh (3.600 tỷ đồng) và CTCP Đầu tư Xây dựng Tường Khải (2.990 tỷ đồng)…
Trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt, chi phí tài chính gia tăng và thắt chặt phát hành trái phiếu, một số tổ chức phát hành có ít cơ hội tiếp cận nguồn vốn nhằm tái cơ cấu tài chính và đáp ứng nghĩa vụ nợ ngắn hạn. Rủi ro về khả năng thanh toán tập trung ở một số lĩnh vực có tỷ lệ đòn bẩy cao và hay biến động theo chu kỳ như lĩnh vực bất động sản.
Những lo ngại về năng lực thanh toán ngày càng tăng khi một số vụ bắt giữ liên quan đến các vi phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng vốn không đúng mục đích. Niềm tin của nhà đầu tư cá nhân vào trái phiếu doanh nghiệp đã suy giảm xuống mức rất thấp, thể hiện thông qua việc nhiều nhà đầu tư đã vội vàng bán trái phiếu của bất kỳ tổ chức phát hành nào bằng mọi giá để thu tiền về tiền mặt.
Lưu ý rằng nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 1/3 khối lượng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp. Theo nghiên cứu thị trường của VNDirect, hiện một số trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được giao dịch với mức 4 – 5% thấp hơn mệnh giá, với mức lợi suất khoảng 10% – 12%/năm, có nghĩa là người bán sẵn sàng chấp nhận với mức chiết khấu 14 – 17%. Từ đó đến nay, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều thông điệp nhằm xoa dịu tâm lý hoang mang của thị trường và một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn.
Một trong những giải pháp đó là việc ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi. Tính đến thời điểm hiện tại, Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi đang ở trong giai đoạn hoàn thiện để trình lên Chính phủ.
VNDirect cho rằng, cần thêm thời gian để các thành viên tham gia thị trường (nhà phát hành, tổ chức bảo lãnh/tư vấn và nhà đầu tư) thích ứng với các quy định mới. Trong bối cảnh chi phí tài chính gia tăng, lực cầu nội địa yếu đi, thị trường bất động sản trầm lắng, các doanh nghiệp đang có xu hướng hoãn, hoặc hủy kế hoạch mở rộng kinh doanh, dẫn đến giảm nhu cầu vốn. Vì vậy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục trầm lắng trong nửa đầu năm 2023.
Dự báo, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ phục hồi đáng kể trong nửa cuối năm 2023 từ mức nền thấp của 2022, nhờ lợi nhuận của doanh nghiệp khởi sắc hơn, lãi suất ổn định và cơ chế thị trường tốt hơn.
Nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp vẫn còn rất lớn, nhưng yếu tố lãi suất đang tác động đáng kể lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
“Các dự báo hiện nay đều cho thấy, trong năm 2023 mục tiêu kiềm chế lạm phát vẫn là ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng Trung ương trên thế giới. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng đề ra tín hiệu sẽ chỉ giảm cường độ giữa các lần tăng lãi suất, trong khi kịch bản hạ lãi suất ngay trong năm nay là không chắc chắn. Tôi cho rằng, đây vẫn sẽ là yếu tố gây sức ép lớn nhất tới xu hướng điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam”, ông Nguyễn Hữu Trung, quyền Tổng giám đốc Vietbank chia sẻ về về các yếu tố sẽ tác động tới hoạt động của ngân hàng trong năm 2023.
Tuy nhiên, theo ông Trung, Ngân hàng Nhà nước luôn kiên định với mục tiêu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát nên điều hành lãi suất nhiều khả năng sẽ tiếp tục theo hướng linh hoạt. Động thái đó là tất yếu và cũng sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, trong đó có Vietbank.
Đây là thời điểm mà các ngân hàng sẽ đi chậm lại để đồng hành hiệu quả hơn cùng với khách hàng. Nếu nhìn vào sự tăng trưởng của toàn ngành nói chung và Vietbank nói riêng trong năm 2022, có thể thấy dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn thì ngân hàng vẫn là kênh an toàn và duy trì được tốc độ tăng trưởng dương, bởi Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế ổn định, tăng trưởng còn đang ở dưới mức tiềm năng.
Kết thúc năm 2022, tổng tài sản của Vietbank đạt 111.937 tỷ đồng; cấu trúc danh mục tài sản tiếp tục được cơ cấu theo hướng gia tăng tỷ trọng tài sản có sinh lời. Tổng huy động của Vietbank đạt gần 100.000 tỷ đồng; trong đó, tiền gửi của khách hàng đạt gần 76.000 tỷ đồng.
Cho vay khách hàng của Vietbank đến ngày 31/12/2022 đạt 63.633 tỷ đồng, lợi nhuận tăng trưởng so với năm 2021. Tại thời điểm 31/12/2022, tỷ lệ nợ xấu của Vietbank là 2,48% trên tổng nợ áp dụng theo Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước.
“Ở thời điểm hiện tại, tôi khẳng định tiền gửi tiết kiệm vẫn sẽ được nhiều người quan tâm vì đây là kênh đầu tư an toàn nhất trong bối cảnh kinh tế còn nhiều vấn đề khó dự đoán. Hiện lãi suất huy động cũng ở mức khá cao, phần lớn các ngân hàng đều có lãi suất trên 9%/năm”, ông Trung cho biết thêm.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đang gặp vấn đề do đơn đặt hàng giảm rõ rệt vì cầu của thế giới giảm, trong khi chi phí đầu vào chưa giảm tương ứng. Xu hướng này dự báo còn kéo dài tới hết nửa đầu năm 2023. Trong năm nay, các điều kiện hoạt động kinh doanh suy giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của ngành ngân hàng.
Cuối cùng, những nút thắt chưa được tháo gỡ của thị trường vốn trong nước cũng sẽ tác động đáng kể tới diễn biến của lãi suất và tình hình hoạt động ngân hàng trong năm 2023. Nhìn lại năm 2022, thanh khoản của hệ thống ngân hàng gặp khó khăn khi chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và huy động ở mức cao.
Có thể nói tình hình thanh khoản căng thẳng do các biến động mạnh trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, trong khi thị trường chứng khoán chưa hoàn toàn hồi phục.
Các vấn đề này chưa được giải quyết dứt điểm trong năm 2022 và sẽ tiếp tục trở thành điểm nghẽn đối với thị trường vốn trong năm 2023. Khi các trụ cột khác trên thị trường vốn trở nên yếu ớt, nhu cầu vay vốn sẽ tiếp tục dồn lên các ngân hàng.
Vì thế, quyền Tổng giám đốc VietBank cho hay, năm 2023, Ngân hàng này tiếp tục hoạt động theo hướng an toàn bền vững và đảm bảo các chỉ số an toàn theo quy định. Vietbank sẽ tập trung vào việc nâng cao chuẩn mực hoạt động và hiệu quả quản trị điều hành.
Cùng với đó, Ngân hàng sẽ chú trọng phát triển hệ khách hàng truyền thống theo định hướng bán lẻ; đồng thời ưu tiên cung ứng vốn cho các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ mà Chính phủ ưu tiên và sẵn sàng đón đầu sự phục hồi của nền kinh tế.