Kinh Doanh - Page 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phải tìm được điểm cân bằng cung cầu bất động sản

Tại hội nghị quan trọng về bất động sản, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đại biểu đánh giá khách quan trung thực tình hình thị trường bất động sản.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phải tìm được điểm cân bằng cung cầu bất động sản  - Ảnh 1.

Sáng nay 17/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm, thị trường lao động phục hồi trong một bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức như cạnh tranh chiến lược, xung đột Nga – Ukraine, lạm phát trên thế giới.

Cũng theo Thủ tướng, tình hình kinh tế – xã hội đang có một số vấn đề nổi lên, trong đó có vấn đề bất động sản. Thủ tướng nhấn mạnh, trong quá trình phát triển, không thể tránh được những vấn đề phát sinh, những mâu thuẫn cần giải quyết.

Đây là điều tất nhiên vì nước ta đang phát triển, nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vận hành trong điều kiện biến động cả bên trong và bên ngoài; quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, trong nội tại vẫn còn nhiều khó khăn, mặt khác lại hội nhập sâu rộng, nền kinh tế có độ mở cao, một biến động nhỏ bên ngoài cũng có thể tác động lớn tới bên trong.

Theo Thủ tướng, điều quan trọng là phải phát hiện kịp thời, giữ vững bình tĩnh, bản lĩnh, kiên định, kiên trì, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, thống nhất ý chí, quyết tâm để xử lý các vấn đề phát sinh, các khó khăn, vướng mắc.

Tại hội nghị, Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá khách quan, trung thực tình hình thị trường bất động sản, phân tích kỹ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó đưa ra mục tiêu, quan điểm điều hành, nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức thực hiện bảo đảm khả thi, hiệu quả, phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp kinh tế thị trường, bảo đảm quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh nhưng có sự điều tiết của nhà nước khi cần thiết, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội đổi lấy tăng trưởng đơn thuần.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu điều hành bảo đảm cân bằng giữa lãi suất với lạm phát, giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khoá, giữa tăng trưởng với lạm phát, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.

Thủ tướng đặt vấn đề: “Đối với thị trường bất động sản, chúng ta phải tìm điểm cân bằng giữa cung và cầu, phải chăng điểm cân bằng này thể hiện qua giá cả, cần phân tích xem liệu giá cả bất động sản đã phù hợp với thu nhập chưa, có tình trạng lệch pha về cung cầu nhà đất không?”

Cũng theo Thủ tướng, sau hội nghị này, Chính phủ dự kiến sẽ ban hành một Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững để tổ chức thực hiện hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc hài hoà lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Lộ diện những mặt hàng xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam trong tháng 1/2023

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 1/2023 thặng dư 656 triệu USD.

Tổng Cục Hải Quan Việt Nam mới đây đã công bố số liệu liên quan đến tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 1/2023. Theo đó, trong tháng 1/2023, trùng vào 2 dịp nghỉ lễ tại Việt Nam là Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán nên trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước có xu hướng giảm.

Cụ thể, giá trị xuất nhập khẩu đạt 46,56 tỷ USD, giảm 17,3% so với tháng 12/2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 23,61 tỷ USD, giảm 18,7% (tương ứng giảm 5,42 tỷ USD); nhập khẩu đạt 22,95 tỷ USD, giảm 15,9% (tương ứng giảm 4,34 tỷ USD). Cán cân thương mại hàng hóa tháng 1/2023 thặng dư 656 triệu USD.

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng giảm 5,42 tỷ USD. Chỉ có hai nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện xuất khẩu tăng so với tháng trước với mức tăng 61,7%, tương ứng tăng 1,92 tỷ USD; thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh tăng 7,4%.

Lộ diện những mặt hàng xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam trong tháng 1/2023 - Ảnh 2.

Có 4 nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam, đem lại giá trị hàng tỷ USD là điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác, và hàng dệt may.

Xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong tháng 1/2023 đạt trị giá 5,02 tỷ USD, tăng 61,7% so với tháng trước và tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu nhóm hàng này sang Trung Quốc đạt 1,7 tỷ USD, tăng mạnh 77,3%; Hoa Kỳ: 658 triệu USD, giảm 46,8%; Hàn Quốc: 288 triệu USD, giảm 13,1%… so với cùng kỳ năm 2022.

Trị giá xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong tháng đạt 3,17 tỷ USD, giảm 33,7% so với tháng trước và giảm 24,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng đầu tiên của năm 2023, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Hoa Kỳ đạt 1,03 tỷ USD, tăng 3,7% so với tháng 1 năm trước; sang thị trường Trung Quốc đạt 499 triệu USD, giảm 31,8%; sang Hàn Quốc đạt 353 triệu USD, giảm 1,5%; sang Hongkong đạt 317 triệu USD, giảm 25,3%…

Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác cũng đem lại 2,9 tỷ USD, giảm 22,2% so với tháng trước và giảm 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng trong tháng 1/2023 chủ yếu gồm: Hoa Kỳ với 1,25 tỷ USD, giảm 27,2%; Hàn Quốc với 197 triệu USD, giảm 16,4%; Nhật Bản với 192 triệu USD, giảm 24,6%… so với tháng 1/2022.

Xuất khẩu hàng dệt may trong tháng đạt 2,25 tỷ USD, giảm 22,4% so với tháng trước và giảm 37,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 1/2023, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 992 triệu USD, giảm 46,7% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là thị trường EU(27) đã tiêu thụ 297 triệu USD, giảm 22,8%; Nhật Bản tiêu thụ 249 triệu USD, giảm 16,5%…

Bắc Ninh là địa phương có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước trong tháng 1/2023, với kim ngạch đạt 3,3 tỷ USD. Đây cũng là địa phương duy nhất có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD ngay trong tháng đầu năm.

Các vị trí tiếp theo phải kể đến TP.HCM với kim ngạch xuất khẩu 2,6 tỷ USD, Thái Nguyên 2,5 tỷ USD. Những tỉnh thành khác có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD còn có Hà Nội 1 tỷ USD, Đồng Nai 1,4 tỷ USD, Hải Phòng 1,6 tỷ USD, Bắc Giang 1,6 tỷ USD, Bình Dương 1,8 tỷ USD.

Doanh nghiệp đóng cửa, nhân viên mất việc, cả nghìn dự án bất động sản ‘chết lâm sàng’

Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam – cho biết, hiện thị trường “tắc” nguồn vốn tín dụng , nguồn vốn trái phiếu và “tắc” cả nguồn vốn huy động từ khách hàng. Số lượng dự án bất động sản đang triển khai trên cả nước phải tạm dừng lên đến cả nghìn dự án, với giá trị đầu tư khoảng 800.000 tỷ đồng, trong đó có cả những dự án phát triển nhà ở xã hội…

Trao đổi với Tiền Phong, ông Vũ Cương Quyết – Giám đốc Công ty Đất Xanh miền Bắc – chia sẻ, trước Tết Nguyên đán, doanh nghiệp cho 50% nhân viên nghỉ việc và hiện tiếp tục cắt giảm. “Thị trường khó khăn quá tôi tính đến phương án đóng cửa một thời gian”, ông Quyết nói.

Dự án bị bỏ hoang

Số lượng dự án bất động sản đang triển khai trên cả nước nhưng phải tạm dừng lên đến cả ngàn dự án, tương đương 30 tỷ USD (Ảnh: Như Ý).

Ông Quyết cho rằng, hiện những người mua nhà ở thật rất cần vay vốn ngân hàng nhưng điều kiện vay khó khăn và lãi suất tăng cao. Theo đó, ông Quyết kiến nghị ngân hàng cho người dân vay không ràng buộc những thủ tục phát sinh như bảo hiểm và nhiều loại phí. Bên cạnh đó, lãi suất tiết kiệm và cho vay giảm để kích cầu người dân mua nhà.

“Lãi suất tiết kiệm hiện nay cao hơn 10% khiến người dân thích gửi tiết kiệm hơn. Trong khi đó, người mua nhà ở thật sợ không dám mua vì lãi suất vay cao không trả nổi”, ông Quyết nói.

Trong khi đó, một doanh nghiệp top 10 trong giới bất động sản cũng đã cắt giảm 90% nhân sự. Nhiều nhà thầu nợ lương công nhân vì chủ đầu tư không có tiền thanh toán.

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đến cuối năm 2022, có gần 1.200 doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước. Từ quý IV/2022, số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới ít.

Các doanh nghiệp bất động sản còn hoạt động phải phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, lực lượng lao động.

Doanh nghiệp môi giới lỗ nặng. Nhiều đơn vị thiếu dòng tiền, cắt giảm nhân sự, giảm lương và đóng cửa văn phòng. Trong tháng 1/2023, không ít chủ doanh nghiệp môi giới vừa và nhỏ đã phải bán tài sản cá nhân để duy trì hoạt động cho văn phòng. Hàng chục vạn môi giới, chiếm tới 80% lực lượng đã phải dừng hoạt động.

Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhà máy, công xưởng của hơn 30 ngành nghề liên quan cũng phải ngưng hoạt động, hàng triệu lao động thất nghiệp do bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng chậm thanh toán của các chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam – cho biết, hiện thị trường “tắc” nguồn vốn tín dụng , nguồn vốn trái phiếu và “tắc” cả nguồn vốn huy động từ khách hàng. Số lượng dự án bất động sản đang triển khai trên cả nước phải tạm dừng lên đến cả nghìn dự án, với giá trị đầu tư khoảng 800.000 tỷ đồng, trong đó có cả những dự án phát triển nhà ở xã hội…

Cần “bơm vốn” vào dự án khả thi

Ông Nguyễn Văn Đính đề nghị Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy nhanh việc “bơm vốn” cho nền kinh tế, trong đó có hoạt động phát triển bất động sản để các dự án được triển khai liền mạch, giảm sức ép lên thị trường. Tuy nhiên, cần kiểm soát tốt dòng tiền, hướng vào các phân khúc sản phẩm phù hợp và những dự án ưu tiên.

Đối với các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn. Ngân hàng Nhà nước nên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giãn, hoãn các khoản vay đến hạn như thời kỳ dịch COVID-19; hỗ trợ vay vốn ưu đãi đối với các doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội.

Đặc biệt, ngân hàng cần có chính sách hỗ trợ cho vay đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu hoặc mua lại trái phiếu đã phát hành mà doanh nghiệp phát hành đang gặp khó khăn và chứng minh được việc sử dụng nguồn tiền trái phiếu phát hành đúng mục đích.

Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp chia sẻ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã được trao nhiều quyền quyết định, nhưng làm thế nào để “thượng phương bảo kiếm” này phát huy hiệu quả và tìm ra được vấn đề nóng cần tháo gỡ là điều được quan tâm đặc biệt.

“Tổ công tác cần sâu sát hơn, bằng cách nên đi xuống các địa phương có nhiều dự án đang vướng mắc, đưa ra phương án giải quyết thí điểm và lắng nghe doanh nghiệp xem họ đang vướng mắc cụ thể ở đâu. Bởi vướng mắc của mỗi địa phương là khác nhau nên Tổ công tác cần linh động đưa ra nhiều giải pháp, còn tháo gỡ chung chung thì không giải quyết được vấn đề” – ông Hiệp đề xuất.

Novaland: Nếu được hỗ trợ về cơ chế, trong 1-2 tháng tới sẽ có vốn hoạt động bình thường

Ông Bùi Thành Nhơn: Việc trợ giúp kịp thời rất quan trọng nhằm phòng tránh 10-20% dư nợ của nền kinh tế bị chuyển sang nợ xấu – Ảnh VGP

Nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn như Novaland, Vinhomes,… đề xuất các giải pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” ngày 17-2.

Giải quyết được pháp lý, Novaland sẽ có ít nhất 10.000 tỉ đồng vốn

Cụ thể, Novaland kiến nghị: Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành một quy định cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ cho các dự án bất động sản từ 2-3 năm để giúp các doanh nghiệp có thời gian chờ thị trường hồi phục và hoàn thiện pháp lý dự án.

Việc trợ giúp kịp thời rất quan trọng nhằm phòng tránh 10-20% dư nợ của nền kinh tế bị chuyển sang nợ xấu.

Doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ pháp lý tận gốc cho các dự án của các doanh nghiệp trên cả nước. Sự ách tắc này đã kéo dài rất nhiều năm nhưng chưa được giải quyết.

Novaland mong muốn Thủ tướng chỉ đạo chọn khu đô thị vệ tinh Aqua City tại tỉnh Đồng Nai làm dự án thí điểm để Tổ công tác của Thủ tướng cùng địa phương tháo gỡ khó khăn và thời gian tháo gỡ trong 1 tháng.

Hiện tại, Novaland đang còn 25.000 tỉ đồng bị phong tỏa tại các ngân hàng thương mại. Trong đó, theo các điều kiện cấp tín dụng, khoảng hơn 10.000 tỉ đồng sẽ đủ điều kiện để giải tỏa khi Novaland hoàn thiện một số thủ tục pháp lý. Nếu trong vòng 1-2 tháng tới, vấn đề này được giải quyết thì Novaland sẽ có nguồn vốn để hoạt động bình thường.

Lãi suất từ cuối năm ngoái tăng khá nhanh, có khoản vay lãi suất đã tăng gần 30%. Nếu mức tăng này tiếp tục duy trì thì dự án đang ở mức lãi suất cũ sẽ thành lỗ ở mức lãi suất mới.

Do đó, doanh nghiệp đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại có biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất huy động, qua đó nhanh chóng giảm lãi suất cho vay, phục hồi thị trường.

Riêng đối với các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp đã đồng hành cùng ngân hàng trong nhiều năm, nay doanh nghiệp gặp khó khăn do lãi suất tăng cao thì các ngân hàng thương mại cũng nên giảm biên lợi nhuận để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.

Việc sửa đổi nghị định 65 đã soạn thảo từ đầu tháng 12-2022 nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành. Với các nội dung trong dự thảo nếu được ban hành sẽ góp phần tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, cũng như thị trường trái phiếu, ông Bùi Thành Nhơn nói. Không chỉ doanh nghiệp bất động sản, mà các ngân hàng thương mại và người dân là các trái chủ đều mong các nội dung sửa đổi này được ban hành sớm.

Ông cũng đề xuất các cơ quan truyền thông của Chính phủ có chiến lược hỗ trợ xây dựng lại niềm tin cho thị trường theo xu hướng ủng hộ những doanh nghiệp “người thật việc thật” đang tạo ra sản phẩm tốt cho xã hội, giúp thị trường phát triển theo hướng bền vững.

Việc vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ giúp tháo gỡ tận gốc pháp lý cho các dự án sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm, tạo thông thoáng môi trường đầu tư thu hút nguồn vốn FDI, giúp phát triển đô thị, tăng nguồn thu ngân sách.

Doanh nghiệp gặp khó, nguồn cung đã thiếu lại càng thiếu hơn

Ông Phạm Thiếu Hoa, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vinhomes, đánh giá cao việc tổ chức hội nghị để lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, từ đó có các biện pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. 

“Đặc biệt, xin cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những chỉ đạo về chủ trương sâu sát để tạo dấu hiệu tích cực cho thị trường”, ông nói.

Theo ông Phạm Thiếu Hoa, nguồn cung quá thấp, chưa đáp ứng được thị trường – Ảnh VGP

Ông Phạm Thiếu Hoa phản ánh thị trường bất động sản hiện nay có những vướng mắc nổi cộm về thủ tục pháp lý, dòng vốn tín dụng hạn chế, nguồn cung nhà ở khan hiếm, cung cầu lệch pha, trái phiếu doanh nghiệp không phát hành được…

Trong khi đó, bất động sản là lĩnh vực quan trọng liên quan đến nhiều ngành sản xuất, kinh doanh, có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến cuộc sống của người lao động, đem lại nguồn thu rất lớn cho ngân sách nhà nước…

Hiện nhu cầu sở hữu nhà của người dân còn rất lớn và tương lai còn tiếp tục tăng cao hơn nữa. Tuy vậy, nguồn cung lại quá thấp, chưa đáp ứng được thị trường.

Trong khi đó, khả năng đáp ứng của doanh nghiệp lại có hạn. Nếu khó khăn tiếp tục kéo dài mà không có những giải pháp kịp thời thì nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ phải đóng cửa, phá sản, nguồn cung trên thị trường đã thiếu lại còn thiếu hơn.

Ông Hoa đề nghị Chính phủ, các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước cùng chung tay, giúp sức nhằm hồi phục thị trường bất động sản, mang lại lợi ích lâu dài cho người dân, Nhà nước, doanh nghiệp. 

“Tôi tin tưởng rằng với sự quan tâm, sát sao của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, trong thời gian tới thị trường bất động sản sẽ phục hồi và phát triển”, ông nói.

Lỗ kỷ lục, nhưng Apax Holdings của Shark Thủy có 737 tỉ tiền mặt

Dù bị lỗ kỷ lục trong năm 2022, nợ đầm đìa, nhưng Công ty Apax Holdings do ông Nguyễn Ngọc Thủy làm chủ tịch vẫn còn 737 tỉ đồng tiền mặt và khoản tương đương tiền.

apax-holdings
Shark Thủy, apax holdings

Công ty cổ phần đầu tư Apax Holdings (mã chứng khoán IBC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4-2022, với kết quả kinh doanh sa sút.

Doanh nghiệp cho biết riêng quý cuối cùng của năm vừa qua, doanh nghiệp bị âm 45,5 tỉ đồng doanh thu. Dù đã hoàn nhập gần 85 tỉ đồng phí bán hàng, nhưng do phải gánh chịu hàng loạt chi phí khác, nên doanh nghiệp vẫn bị lỗ ròng sau thuế gần 93 tỉ đồng.

Tổng kết cả năm 2022, công ty do ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) làm chủ tịch hội đồng quản trị đạt doanh thu thuần 1.336 tỉ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên sau khi trừ đi giá vốn và các chi phí, doanh nghiệp bị lỗ sau thuế hơn 81 tỉ đồng, mức lỗ kỷ lục trong lịch sử.

Với kết quả trên, doanh nghiệp chỉ hoàn thành được 61% chỉ tiêu doanh thu đề ra cho cả năm, đồng thời không đạt được kế hoạch về lợi nhuận.

Tính đến ngày cuối năm 2022, khối tài sản đạt hơn 4.590 tỉ đồng. Đáng chú ý, doanh nghiệp này còn gần 737 tỉ đồng tiền mặt và tương đương tiền (bao gồm gần 697 tỉ đồng tiền mặt – cao nhất từ trước đến nay, và 40 tỉ đồng là khoản tương đương tiền).

Dù vậy, doanh nghiệp của Shark Thủy cũng đang gánh khoản nợ phải trả hơn 3.070 tỉ đồng, nhiều gấp đôi so với vốn chủ sở hữu.

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch hôm nay, mã IBC hồi phục với sắc tím, tạm neo ở giá 2.690 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, mã này đã bị giảm hơn 87% giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến thời điểm cuối năm vừa qua, Apax Holdings sở hữu 66,36% vốn tại Công ty cổ phần Anh ngữ Apax (vận hành chuỗi Apax Leaders/Apax English). Đồng thời doanh nghiệp cũng có hai công ty con khác là Công ty cổ phần Phát triển Igarten và Công ty cổ phần Trường liên cấp Firbank Australia.

Như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin, hai ngày trước, đại diện Apax Leaders đã nêu ra lộ trình tái cấu trúc, khẳng định đã có hơn 30 trung tâm đủ điều kiện về mọi mặt và sẵn sàng “tái khai trương” ngay trong tháng 2-2023. Tuy nhiên, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết vẫn chưa nhận được hồ sơ từ phía doanh nghiệp.

Tháng 11-2022, sau khi báo chí phản ánh việc hàng loạt trung tâm Anh ngữ Apax bị giáo viên tố nợ lương, phụ huynh đòi tiền, Shark Thủy giải trình với Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, cho biết đã làm việc “để có những phương án xử lý phù hợp”.

Ông Thủy cũng khẳng định các thông tin của Apax English xuất hiện trên báo chí “không có ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh cũng như tình hình quản trị của Apax Holdings”, vì Apax Holdings là công ty mẹ và hoạt động độc lập.

Đề xuất Chính phủ cho phép doanh nghiệp thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác

Đó là đề xuất rất đáng chú ý của Bộ Tài chính trong dự thảo nghị định sửa đổi nghị định 65 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ nhằm tháo gỡ khó khăn trước mắt về thanh khoản của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản.

trai-phieu
Trái phiếu doanh nghiệp – Ảnh minh họa: NGỌC PHƯỢNG

Thanh toán bằng tài sản khác

Theo Bộ Tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện gặp khó khăn do khối lượng phát hành trái phiếu sụt giảm mạnh. Đồng thời, nhu cầu đầu tư trái phiếu, đặc biệt là từ nhà đầu tư cá nhân sụt giảm mạnh kể từ sau các vụ việc xử lý đối với Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát.

Mặt khác, khối lượng mua lại trái phiếu trước hạn tăng và nhiều nhà đầu tư bán lại trái phiếu. Cùng với đó, khối lượng trái phiếu đến hạn trong năm nay khá lớn khiến doanh nghiệp khó khăn về dòng tiền để thanh toán nghĩa vụ nợ đến hạn…

Thực tế, thời gian qua, một số doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm bất động sản gặp khó khăn về thanh toán nghĩa vụ nợ đáo hạn năm 2023. Một số doanh nghiệp đã đàm phán thanh toán gốc trái phiếu bằng cổ phần, có doanh nghiệp đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán gốc trái phiếu bằng sản phẩm bất động sản.

Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 và các quy định liên quan, doanh nghiệp có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến tham gia của các bộ, ngành, các chuyên gia và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về dự thảo nghị định sửa đổi nghị định 65, để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp phát hành, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định trường hợp không thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tiền thì có thể đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán bằng tài sản khác.

Nguyên tắc thanh toán là phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm công bố thông tin và chịu trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Kéo dài kỳ hạn trả nợ hai năm

Bên cạnh đó, trong dự thảo nghị định sửa đổi nghị định 65, Bộ Tài chính cũng đề xuất Chính phủ quy định các trái phiếu đã phát hành trước đây được đàm phán kéo dài kỳ hạn của trái phiếu.

Đây được xem là nội dung quan trọng hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản đang khó khăn về thanh khoản.

Bộ Tài chính báo cáo trong bối cảnh thị trường tài chính, tiền tệ gặp khó khăn về thanh khoản, doanh nghiệp khó huy động vốn từ phát hành trái phiếu, cổ phiếu, trong khi áp lực trả nợ đối với trái phiếu đáo hạn năm 2023-2024 ở mức cao.

“Để hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cơ cấu lại các khoản nợ, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ thì được đàm phán để thay đổi kỳ hạn của trái phiếu, thời hạn tối đa là hai năm.

Bổ sung quy định trường hợp đàm phán thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu mà có nhà đầu tư không chấp thuận thì doanh nghiệp phải thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu cho các nhà đầu tư này” – Bộ Tài chính nhấn mạnh.