Thế Giới Di Động đóng cửa chuỗi điện máy ở Campuchia

Thế Giới Di Động đang thanh lý hàng hóa để đóng cửa toàn bộ chuỗi cửa hàng điện thoại, điện máy Bluetronics ở Campuchia trong quý đầu năm nay.

“Sau 6 năm hoạt động, chúng tôi quyết định ngừng kinh doanh ở Campuchia để tập trung vào những mô hình kinh doanh khác và những thị trường khác”, ông Đoàn Văn Hiểu Em – người đứng đầu mảng bán lẻ điện máy, điện thoại của Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) – chia sẻ trong buổi gặp nhà đầu tư giữa tháng này.

Theo website Bluetronics, hiện chỉ còn 2 cửa hàng ở thủ đô Phnom Pênh hoạt động, giảm đáng kể so với giai đoạn giữa 2021 khi là chuỗi bán lẻ lớn nhất Campuchia với 55 cửa hàng.

Nhân viên Bluetronics bày bán sản phẩm trước cửa hàng, tháng 2/2023. Ảnh: Fanpage Bluetronics
Nhân viên Bluetronics bày bán sản phẩm trước cửa hàng, tháng 2/2023. Ảnh: Fanpage Bluetronics

Thế Giới Di Động tham gia thị trường Campuchia từ giữa năm 2017 khi mở cửa hàng điện thoại đầu tiên tại thủ đô Phnom Pênh với tên gọi BigPhone. Sử dụng bộ nhận diện thương hiệu tương tự chuỗi bán lẻ tại Việt Nam, công ty kỳ vọng mỗi cửa hàng thuộc chuỗi này có doanh số 2 tỷ đồng một tháng.

Đến cuối năm 2019, BigPhone được đổi tên thành Bluetronics để kinh doanh điện thoại lẫn điện máy. Bluetronics khi đó được ban lãnh đạo Thế Giới Di Động xem là bàn đạp cho tham vọng xâm nhập thị trường bán lẻ Đông Nam Á. Doanh thu của chuỗi liên tiếp tăng trưởng ba chữ số trong nhiều năm và đạt đỉnh gần 500 tỷ đồng vào 2021. Dù vậy, mức này đóng góp chưa đến 0,5% tổng doanh thu của công ty.

Mô hình kinh doanh của Bluetronics tương tự chuỗi Điện Máy Xanh ở Việt Nam, thậm chí được ban lãnh đạo Thế Giới Di Động dành nhiều thời gian tinh chỉnh cho phù hợp với văn hóa mua sắm bản địa. Tuy nhiên, quy mô thị trường nhỏ và chính sách thuế phức tạp được xem là rào cản khi nhân rộng chuỗi này.

Hầu hết cửa hàng nhỏ lẻ tại Campuchia không có thuế giá trị gia tăng, trong khi Bluetronics tính thuế này cộng thêm thuế nhập khẩu nên giá bán sản phẩm luôn cao hơn mặt bằng 10-15%. Ban lãnh đạo cho biết Bluetronics khó cạnh tranh nếu giữ giá bán cao, còn chấp nhận chạy đua với các cửa hàng nhỏ lẻ thì không có lãi.

“Công ty đánh giá chuỗi này không có tiềm năng đóng góp doanh thu và lợi nhuận đáng kể trong tương lai nên chủ động đóng cửa để giảm gánh nặng”, lãnh đạo Thế Giới Di Động cho hay.

Sau khi rút khỏi Campuchia, Thế Giới Di Động cho biết sẽ dồn lực vào thị trường Indonesia với chuỗi điện thoại và điện máy EraBlue. Chuỗi này khai trương 5 cửa hàng vào tháng 12/2022 và doanh số bình quân mỗi tháng của một cửa hàng đạt khoảng 5 tỷ đồng.

Cửa hàng EraBlue tại Indonesia. Ảnh: Website Thế Giới Di Động
Cửa hàng EraBlue tại Indonesia. Ảnh: Website Thế Giới Di Động

Lãnh đạo Thế Giới Di Động cho biết thị trường điện thoại và điện máy của Indonesia có quy mô khoảng 14 tỷ USD, lớn hơn nhiều so với Campuchia và thậm chí gấp đôi Việt Nam. Thị trường này có phần lớn cửa hàng truyền thống nên danh mục sản phẩm, hàng hóa trưng bày cũng như dịch vụ hậu mãi hạn chế.

“Ở Indoneia có hai nhà bán lẻ đối trọng, nhưng so với họ thì chúng tôi đang bằng hoặc chỉ thấp hơn một chút”, ông Hiểu Em nói, đồng thời khẳng định sẽ không mất nhiều thời gian để chuỗi EraBlue hoàn thiện mô hình kinh doanh và nhân rộng cửa hàng thử nghiệm nhằm đưa ra đánh giá toàn diện trước khi bước vào giai đoạn tăng tốc.

Để lại một bình luận

Your email address will not be published.

Previous Story

Ngân hàng: Không thiếu room tín dụng cho doanh nghiệp bất động sản

Next Story

Thủ tướng kết luận về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển

Latest from Kinh Doanh