Doanh nghiệp bất động sản muốn gia hạn trái phiếu

Thị trường trầm lắng, vốn vay ngân hàng khó, các doanh nghiệp bất động sản kiến nghị được gia hạn trái phiếu đã phát hành, đến hạn thanh toán để bớt áp lực dòng tiền.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến tháo gỡ, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản sáng 17/2, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty GP Invest, nhìn nhận một số doanh nghiệp đã “quá đà” trong phát hành trái phiếu để ôm dự án nên gây biến động cho thị trường tài chính, ảnh hưởng tới niềm tin thị trường bất động sản.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, đến cuối năm 2022, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 2 triệu tỷ đồng, trong đó riêng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản khoảng 400.000 tỷ đồng, chiếm trên 30%.

Năm nay sẽ có một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán trong bối cảnh thị trường bất động sản đang trầm lắng. Công ty Chứng khoán VNDirect ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp năm nay gần 273.000 tỷ đồng, tập trung nhiều vào quý II và III.

Bất động sản là ngành có giá trị trái phiếu đáo hạn lớn nhất với 102.570 tỷ đồng. Các doanh nghiệp có giá trị đáo hạn nhiều nhất là Novaland, Công ty cổ phần Saigon Glory, Công ty Phát triển Bất động sản An Khang.

Nguồn tiền từ trái phiếu cũng là một kênh vốn quan trọng, bên cạnh tín dụng, để các doanh nghiệp có nguồn xoay xở trong bối cảnh hiện nay. Khi nguồn tín dụng từ các ngân hàng vẫn thắt chặt, Chủ tịch GP Invest kiến nghị gia hạn các trái phiếu này để tháo bớt áp lực dòng tiền thanh toán cho các doanh nghiệp phát hành.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, Công ty GP INVEST
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, Công ty GP INVEST

Sau đó, bên cạnh biện pháp cho hoán đổi nợ trái phiếu bằng tài sản, bất động sản của công ty phát hành, cần có cơ quan đứng ra đánh giá cụ thể với từng doanh nghiệp đang phải chuẩn bị thanh toán trái phiếu mà không cân đối được dòng tiền.

Với một số trường hợp cụ thể, các dự án của các doanh nghiệp này nếu khả thi về pháp lý, ông Hiệp kiến nghị nên cho Công ty mua bán nợ DATC hoặc VAMC tiếp cận đánh giá tài sản, dự án đang sử dụng trái phiếu, để có thể xử lý triệt để giúp làm hạ nhiệt thị trường.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cũng kiến nghị nên có hướng dẫn khuyến khích doanh nghiệp phát hành ra công chúng. Bộ Tài chính và Xây dựng có hướng dẫn “đổi trái phiếu lấy bất động sản”. Đây là một giải pháp mà Trung Quốc đã làm tốt. “Có hướng dẫn để nhất quán thực hiện, tránh xung đột, tranh chấp sau này”, ông Lực nói.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước nêu tại báo cáo gửi tới hội nghị hôm nay cho thấy đến cuối năm ngoái, các tổ chức tín dụng đã đầu tư trái phiếu bất động sản khoảng 79.519 tỷ đồng, giảm gần 18% so với cuối tháng 12/2021, chiếm 33% tổng số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tính cả đầu tư trái phiếu nhằm tăng quy mô vốn, cơ cấu lại nợ của các tổ chức phát hành trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản, số dư đầu tư trái phiếu bất động sản của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 12/2022 là 117.016 tỷ đồng, chiếm 48,5% so với tổng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp toàn hệ thống, giảm 9,8% so với cùng kỳ 2021.

Cơ quan quản lý tiền tệ khẳng định, áp lực với tín dụng ngân hàng cho bất động sản vừa qua không phải do điều hành tín dụng, tức là Ngân hàng Nhà nước không siết, không thắt chặt tín dụng, mà do những khó khăn nội tại của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

“Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu để phát triển bất động sản nhưng chọn điều kiện phát hành dễ, không quản lý tốt dòng tiền nên bị động khi có sự cố xảy ra”, báo cáo Ngân hàng Nhà nước nêu.

Đại diện các bộ, ngành tham dự tại hội nghị tháo gỡ, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, ngày 17/2. Ảnh: VGP
Đại diện các bộ, ngành tham dự tại hội nghị tháo gỡ, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, ngày 17/2. Ảnh: VGP

Bộ Tài chính đang trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho đây là một công cụ để các doanh nghiệp có thể huy động vốn nhàn rỗi từ thị trường.

Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Novaland cho rằng các nội dung trong dự thảo nếu được ban hành sẽ góp phần tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, cũng như thị trường trái phiếu. Ông nói không chỉ doanh nghiệp bất động sản, mà các ngân hàng thương mại và người dân là các trái chủ đều mong các nội dung sửa đổi này được ban hành sớm.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hiệp góp ý, việc dự thảo của Nghị định không quy định lượng trái phiếu được phép phát hành so sánh với vốn chủ sở hữu hoặc tài sản hiện có của doanh nghiệp có thể là một điều cần cân nhắc thêm.

Theo ông, dự thảo nên bổ sung quy định trách nhiệm của ngân hàng và công ty môi giới gắn với các công ty phát hành, để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra cho thị trường tài chính như thời gian vừa qua.

Trả lời

Your email address will not be published.

Previous Story

Bầu Tô Lâm Lamy Land Đam Mê Trái Bóng Tròn Cháy Bỏng

Next Story

Chủ tịch Novaland: Mong có cơ chế giãn nợ ngân hàng

Latest from Doanh Nghiệp