Tỷ phú Đồng Tháp Mười

Trở lại vựa lúa lớn nhất tỉnh Long An ở Đồng Tháp Mười, chúng tôi ngỡ ngàng trước đổi thay nơi vùng đất nê địa nặng phèn này bởi nhiều nông dân vốn nghèo đã trở thành tỷ phú…

Tỷ phú Đồng Tháp Mười

Là thị trấn ra đời muộn nhất ở vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An, Tân Hưng đã trở thành một thị trấn sầm uất vùng biên giới. Từ Tân Hưng, anh bạn phóng viên Báo Long An chở tôi lên Hưng Điền B. Thắng – xã đội trưởng xã biên giới Hưng Điền B dẫn chúng tôi tấp vô căn nhà mới cất còn thoang thoảng mùi sơn nước ở ấp Bưng Ràm.

Chủ nhà Phạm Nhật Lập sắp bước qua tuổi 50 nhưng trông như chưa tới 40. Ba mươi năm trước, sống ở quê nhà huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, cái nghèo đeo đẳng quanh năm, bởi cha mẹ anh đông con, đất sản xuất ít ỏi. Biết bên xã Hưng Điền B tỉnh bạn đất hoang còn nhiều, Lập quyết định gom toàn bộ vốn liếng tích lũy từ ngày lập gia đình được 7 chỉ vàng, đưa vợ sang đây.

Những ngày đầu đến vùng đất mới, vợ chồng Lập phải đi làm mướn như nhiều cặp vợ chồng nghèo khác. Sau vài vụ lúa, đất Hưng Điền B níu chân vợ chồng Lập. Bảy chỉ vàng lận lưng ngày sang Hưng Điền B lập nghiệp, vợ chồng Lập mua được 0,7 hécta đất phèn còn ám mặt ruộng. Vừa lăn lưng làm mướn, vợ chồng Lập vừa be bờ, vét kinh dẫn nước gieo sạ trên mảnh đất mua được mỗi năm hai vụ lúa. 

Kéo tôi ngồi bệt xuống hiên ngôi nhà mới tân gia, Phạm Nhật Lập tươi cười nói: “Sản xuất độc canh cây lúa trên chưa đầy mẫu đất ở Đồng Tháp Mười may lắm mới đủ gạo ăn, nói chi tích lũy. Làm mướn thì phụ thuộc mùa vụ. Phải tìm cách thoát nghèo mới có điều kiện nuôi các cháu ăn học. Vì thế, tôi gặp một số chủ ruộng có ý định cho thuê đất thuê lại một ít để trồng lúa. Dần dần, cho đến vụ lúa Đông – Xuân 2022-2023, tôi thuê được 15 hécta đất trồng lúa với giá 16 triệu đồng/hécta. Trừ công đầu tư, trả tiền thuê đất hằng năm, vợ chồng tôi dư ra một số tiền không nhỏ”.

Và nhờ thế mà vợ chồng Phạm Nhật Lập dư sức nuôi con gái học đại học y, con trai học đại học công nghệ thông tin trên thành phố. 

“Khá giả nhờ làm ruộng, sao không tích tụ thêm đất như Nhà nước khuyến khích?”, tôi hỏi Lập. “Những hộ chuyển sang buôn bán hay xây dựng nhưng vẫn quyết giữ đất cho con cháu, theo nông dân chúng tôi nghĩ cũng là cách tích tụ ruộng đất”. Tích tụ ruộng đất như Lập nói, ở một khía cạnh nào đó cũng có lý.

Trở lại xã Hưng Điền B lần này, chúng tôi được tri điền thuộc hàng giàu có nhờ lắm ruộng, nhiều máy nông cụ Nguyễn Văn Thành “chiêu đãi” món thịt chuột rô ti. Tôi quen thân cựu chiến binh Nguyễn Văn Thành từ mấy mươi năm trước, thời anh còn vất vả xây lò mở dịch vụ sấy lúa khi nông dân thượng nguồn Đồng Tháp Mười thu hoạch lúa Hè – Thu. Từ khởi nghiệp bằng cách “sấy lúa mướn”, Nguyễn Văn Thành tích lũy bộn tiền. 

Anh dùng tiền đó “tích tụ” gần 60 hécta ruộng và sắm máy cày, máy bơm, máy gặt, vừa làm ruộng nhà vừa làm mướn. Thấy cá tra xuất khẩu ăn khách, Nguyễn Văn Thành và nhiều “đại gia” vùng biên giới chuyển một phần đất lúa thành ao nuôi cá tra giống bán cho dân nuôi cá thịt ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhưng đại dịch Covid-19 bùng phát làm nhiều “ông lớn” ở Đồng Tháp Mười điêu đứng. Mất tiền tỷ vì “thua trận” cá tra giống, cha con anh Thành lại chuyển ao cá thành ruộng lúa đặc sản canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP để xuất khẩu.

Nâng chung rượu gạo mời hai chúng tôi, anh Thành quả quyết cái một: “Thua keo này mình bày keo khác.  Đến giờ này, tôi sắm được 10 máy gặt đập liên hoàn, 7 máy cày và 25 máy bơm nước”.

Với những loại máy phục vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thành không chỉ đủ khả năng canh tác mấy chục mẫu ruộng, mà còn mở rộng “nghề  làm mướn”.

Gió từ mặt ruộng mới sạ lúa đặc sản tràn lên mặt bàn nhậu, mát rượi. Đặt chung rượu xuống bàn, Nguyễn Văn Thành lại hứng khởi: “Sướng. Hết bỉ cực đến thới lai rồi đó anh!”.

Rồi anh kể cái cảnh một thương binh thời chống Mỹ, khi chiến tranh biên giới vừa kết thúc, từ huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đưa vợ con sang Hưng Điền xin chính quyền cho tạm trú để khai vỡ đất hoang. Ngày ấy, huyện Tân Hưng còn nằm trong huyện Vĩnh Hưng, xã Hưng Điền B cũng chưa có tên địa danh trên bản đồ hành chính tỉnh Long An. Hơn bốn mươi năm lập nghiệp ở nê địa nặng phèn, giờ anh có biệt thự, có tài sản vào loại nhất nhì xã Hưng Điền B.

Nhìn tấm băng rôn căng giữa hai trụ cổng bề thế đầu đường dẫn vào mé sông Vàm Cỏ Tây, anh bạn ở Báo Long An bảo tôi ghé vào làng mai xã Tân Tây của huyện Thạnh Hóa, Long An.

Vùng đất này vào những năm 1980, nông dân chỉ biết ra rừng lấy lá tràm gió bán cho cư dân các tỉnh phía Bắc vào xây lò chiết xuất tinh dầu. Trước mắt chúng tôi, những cánh rừng tràm xưa kia, hằng năm canh tác một vụ khoai mỡ xen hai vụ lúa, giờ là những vườn mai vàng tít tắp.

Ai là người dám đưa cây mai chỉ quen sống trên đất cao về Tân Tây để hình thành nên một làng nghề trồng mai ở cái xã ngập nước trong mùa lũ, nhiễm mặn trong các tháng mùa khô?

Không khó để tìm câu trả lời. Ấy là chàng thanh niên Trần Văn Thống. Cách nay 20 năm, anh ngồi xe đò xuống “thủ phủ” hoa cây kiểng Cái Mơn, tỉnh Bến Tre làm mướn. Nhờ cần cù, chịu khó, nhiều nhà vườn Chợ Lách “cầm tay chỉ việc” nên anh sớm học được nghề trồng hoa kiểng, nhất là cây mai vàng. Anh học từ cách ươm hạt, ghép cành, vô phân, học cả cách “làm thị trường” cho cây mai. 

Trở về Tân Tây, Thống chuyển hai mẫu ruộng chuyên trồng lúa và khoai mỡ lên liếp xuống giống 2.000 cây mai vàng. Sau 4 năm chăm sóc, tỉa cành, tạo dáng, thương lái ở Bến Bình Đông trên quận 8, TP.HCM áp xuồng sát vườn mai của Thống đòi bao tiêu hàng trăm gốc mai chuẩn bị phục vụ Tết năm ấy. Sau thương vụ xuất bán mấy trăm gốc mai Tết, Thống có tiền mua tiếp 2 hécta đất kế bên, trồng thêm 2.000 gốc mai. 

Khởi nghiệp nghề trồng mai vàng trên đất lúa của Trần Văn Thống đã kích hoạt hàng trăm hộ nông dân xã Tân Tây trồng mai. Thống trở thành “kỹ sư mai vàng” hướng dẫn cô bác cách ươm hạt, ghép cành, chăm bón mai như hồi anh học ở Cái Mơn. 

Năm 2018, trong một cơn bạo bệnh, người khởi nghiệp làng nghề trồng mai xã Tân Tây Trần Văn Thống qua đời, để lại 4.000 gốc mai vàng đang ở giai đoạn sung mãn. Không bỏ cuộc, cha Thống –  lão nông Trần Văn Vị dù tuổi đã cao, thay Thống chăm sóc vườn mai con để lại. Hơn thế, ông Vị còn cải tạo 2 hécta đất lúa của vợ chồng ông để trồng mai.

Vụ hoa Tết Canh Tý 2020, trước khi dịch Covid-19 khởi phát, ông Vị xuất bán 210 gốc mai cho lái Bình Đông với giá 12 tỷ đồng. Riêng hai cây mai lái trả 1,2 tỷ đồng mỗi gốc, ông không bán bởi đó là hai cây mai con trai ông đã ráng giữ như là một kỷ niệm khởi nghiệp nghề trồng ma.

Để lại một bình luận

Your email address will not be published.

Previous Story

Cần phải có một giám đốc kể chuyện trong doanh nghiệp

Next Story

Chị Lạc Thảo Vy – Giám đốc chi nhánh OI Clinic, Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại và Hóa chất Phương Đông: “Hãy cho thế hệ trẻ một cơ hội”

Latest from Doanh Nhân