Lò vi sóng phát ra bức xạ khiến nhiều người đặt câu hỏi về độ an toàn khi sử dụng và ảnh hưởng của nó tới thức ăn trong lò.
Lò vi sóng là thiết bị có mặt ở hầu hết các hộ gia đình, giúp bạn rã đông thực phẩm, nấu và hâm nóng thức ăn. Nó được sử dụng đơn giản và tốc độ nhanh chóng. Tuy nhiên, bức xạ do lò vi sóng phát ra khiến nhiều người băn khoăn. Thức ăn có bị mất dinh dưỡng hay tiềm ẩn nguy cơ gây hại gì nếu được hâm nóng bằng lò vi sóng?
Ngay từ tên gọi lò vi sóng hay lò vi ba đã xác nhận sự hiện hữu các tia vi sóng. Vi sóng được sinh ra từ nguồn magnetron, theo ống dẫn sóng vào ngăn nấu rồi phản xạ qua lại giữa các bức tường của ngăn nấu, và bị hấp thụ bởi thức ăn, ta thường được gọi là bức xạ. Bức xạ này không ion hóa, do đó không gây rủi ro cho sức khỏe của chúng ta.
Ngăn nấu là một lồng Faraday gồm kim loại hay lưới kim loại bao quanh, đảm bảo cho sóng không lọt ra ngoài. Lưới kim loại có thể nhìn thấy được ở cửa lò vi sóng. Các lỗ trên lưới này có kích thước nhỏ hơn nhiều bước sóng (12 cm), nên sóng vi sóng không lọt ra, nhưng ánh sáng (ở bước sóng ngắn hơn) vẫn lọt qua được, giúp quan sát thức ăn bên trong. Khi sử dụng, bạn nên đứng cách lò khoảng 20 cm trở lên, kiểm tra, đóng kín cửa lò khi nó đang hoạt động.
Tuy nhiên, với lò vi sóng quá cũ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đạt tiêu chuẩn đo lường của đơn vị kiểm định, bạn nên tránh sử dụng.
Nhưng, lò vi sóng có làm mất chất dinh dưỡng của thức ăn?
Rau củ sẽ mất đi một số giá trị dinh dưỡng trong lò vi sóng. Một số loại rau đã mất đi một phần lớn flavonoid (Flavonoid: Một loại chất chuyển hóa trung gian của thực vật). Tổn thất này không đáng kể nếu thời gian gia nhiệt thấp hơn. Đồng thời, việc rau mất ít hay nhiều dinh dưỡng sẽ phụ thuộc vào kết cấu của chúng và các chất dinh dưỡng bên trong. Trong đó, bí ngô, đậu Hà Lan và tỏi tây khi được đun nóng bằng lò vi sóng sẽ mất axit phenolic, nhưng điều này không xảy ra với rau bina, ớt chuông, bông cải xanh và đậu xanh.
Tôi có nên hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng bằng hộp nhựa không?
Một số loại nhựa khi đun nóng giải phóng các chất hóa học, chẳng hạn như phthalates, có thể tan vào thực phẩm và chúng ta sẽ nuốt phải nó khi ăn. Những hợp chất hóa học này đặc biệt có hại cho hệ thống nội tiết tố và sự trao đổi chất của chúng ta.
Đối với những người trẻ tuổi, chúng có thể gây tăng huyết áp và kháng insulin. Điều này có thể dẫn đến rối loạn chuyển hóa, chẳng hạn như bệnh tiểu đường và tăng huyết áp, các vấn đề về sinh sản, hen suyễn và rối loạn tăng động giảm chú ý.
Lưu ý khi hâm nóng thức ăn bằng lò vi sóng
Việc hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng an toàn nhưng bạn không nên để thời gian hâm nóng thức ăn quá lâu trong lò. Đồng thời, bạn nên hâm nóng thức ăn trong bát đựng là đồ gốm hoặc thủy tinh. Không sử dụng những dụng cụ bằng kim loại trong lò vi sóng bởi chúng có thể làm tia lửa điện phát ra liên tục trong lò khiến lò bị hỏng.
Trong trường hợp bạn chọn hâm nóng đồ trong bát nhựa, hãy cố gắng tránh những hộp cũ vì chúng có xu hướng giải phóng nhiều chất hóa học hơn. Ngoài ra, hãy tránh những loại có nhãn hộp nhựa có số “3”, chữ “V” hoặc “PVC”. Vì ký hiệu này cho thấy có phthalate trong nhựa.
Một điều khác bạn nên cảnh giác là thức ăn quay bằng lò vi sóng nóng không đều (thức ăn được xếp ở giữa thường nóng trước tiên). Khi đó, bạn cần xếp thức ăn ở viền bát, viền đĩa để chúng có độ nóng đồng đều, chẳng hạn món thịt nướng. Thức ăn thừa khi quay lại phải đạt và duy trì nhiệt độ 165°F (70°C) trong hai phút.