Doanh Nghiệp - Page 3

Gồng mình đảm bảo điện nhưng lỗ lớn, EVN đề nghị gì về điều chỉnh giá điện?

Đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định thời gian qua nhưng khoản lỗ mà EVN phải gánh có thể lên trên 90.000 tỷ đồng tính hết năm 2023, nếu giá điện tiếp đứng im như từ tháng 3/2019.

Bộ Công thương vừa phát ra thông cáo báo chí về buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Công thương và Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về tình hình hoạt động kinh doanh, điều chỉnh giá điện… vào sáng 15/2.

Tại buổi làm việc, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân báo cáo, trình bày về tình hình thực hiện sản xuất – kinh doanh điện năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023 của EVN, đồng thời đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất – kinh doanh điện năm 2023.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, EVN phải đối mặt với những thách thức, khó khăn chưa từng có và hết sức dị biệt trong thời gian qua do khủng khoảng năng lượng dẫn đến giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện tăng cao.

Tại thông cáo, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng đánh giá cao sự nỗ lực của EVN đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt là trong bối cảnh tập đoàn phải đối mặt với những thách thức, khó khăn chưa từng có và hết sức dị biệt do khủng hoảng năng lượng, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Dẫu vậy thì cho tới nay, những “khó khăn chưa từng có” của EVN cũng lại chưa hề được Bộ Công thương thông tin một cách cụ thể và rành mạch về các con số để minh chứng.

Trong khi đó, nhiều thông tin được đăng tải công khai thời gian qua đã cho thấy, năm 2022, lỗ sản xuất kinh doanh điện của EVN năm 2022 lên tới 28.876 tỷ đồng. Thậm chí, nếu giá điện vẫn tiếp tục đứng im như kể từ tháng 3/2019 tới nay, thì năm 2023, EVN sẽ tiếp tục lỗ 64.941 tỷ đồng. Như vậy mức lỗ cho cả hai năm lên tới 93.817 tỷ đồng.

Với tốc độ này, đến hết tháng 5/2023, Công ty mẹ – EVN sẽ không còn tiền trong tài khoản và đến tháng 6 sẽ thiếu hụt tiền thanh toán.

Trong thông cáo ngày 15/2, Bộ Công Thương cũng cho hay, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc bộ triển khai các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về đầu tư xây dựng các dự án điện và thị trường điện, cơ chế bán điện.

Đặc biệt liên quan đến việc xây dựng các phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 theo kiến nghị của EVN, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo Tập đoàn cần bám sát, tuân thủ quy trình thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.

“Yêu cầu của Bộ trưởng là việc điều chỉnh giá điện cần phải được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ và đúng quy định”, thông cáo viết.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng chỉ đạo EVN chủ động tham gia đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Các vấn đề liên quan tới cơ chế giá điện, thị trường điện tại Luật Điện lực, cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA để đảm bảo giá điện phản ánh đầy đủ yếu tố thị trường, tạo môi trường bình đẳng giữa các bên trong hoạt động điện lực.

Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh đã có ý kiến chỉ đạo EVN triển khai các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về đầu tư xây dựng các Dự án điện như Ô Môn III, Trị An mở rộng và phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét về các giải pháp đảm bảo cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh điện năm 2022 trong đó có các nội dung liên quan đến đánh giá, xếp loại doanh nghiệp.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đã chỉ đạo EVN phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện báo cáo về các giải pháp đảm bảo cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh điện năm 2022, trong đó có các nội dung liên quan đến đánh giá, xếp loại doanh nghiệp.

Tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cũng có chỉ đạo EVN triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư, hoàn thiện kết quả sản xuất kinh doanh điện năm 2022, trong đó có các nội dung liên quan đến đánh giá, xếp loại doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Công Phú rời Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình

Đơn từ nhiệm khỏi vị trí thành viên HĐQT độc lập của ông Nguyễn Công Phú gửi ngày 13/2 đã được HĐQT CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình phê duyệt ngay trong ngày.

Ngày 14/2/2023, HĐQT CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình vừa công bố Nghị quyết Chấp thuận đơn xin từ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT độc lập của ông Nguyễn Công Phú kể từ ngày 13/2/2023.

Cùng đó, HĐQT cũng chấp nhận việc ông Phú uỷ quyền cho Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải tham dự, thảo luận, biểu quyết tại tất cả cuộc họp, lấy ý kiến biểu quyết bằng văn bản hoặc hình thức khác của HĐQT.

Đơn xin từ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT của ông Phú sẽ được cổ đông xem xét thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

Quyết định trên của HĐQT căn cứ trên đơn xin từ nhiệm của cá nhân ông Phú vào ngày 13/2 và căn cứ biên bản họp HĐQT của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ngày 11/2.

Ông Nguyễn Công Phú

Ông Nguyễn Công Phú tham gia vào HĐQT của Tập đoàn từ tháng 7/2021. Trước quyết định ra đi của ông Phú, câu chuyện tại nội bộ Tập đoàn Hòa Bình đã “nóng” lên ngay những ngày cuối năm 2022.

Vào cuối tháng 12/2022, ông Lê Viết Hải – người sáng lập và cũng là Cchủ tịch HĐQT đã có đơn xin từ nhiệm chức vụ chủ tịch và được chấp thuận từ ngày 01/01/2023. Tập đoàn cũng đã có nghị quyết bầu ông Nguyễn Công Phú giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình kể từ ngày 01/01/2023 và lên kế hoạch thành lập Hội đồng sáng lập giao ông Hải giữ vai trò chủ tịch. Tuy nhiên, sau khi phát sinh bất cập liên quan đến cơ chế hoạt động và vận hành của Hội đồng sáng lập, ông Hải đã rút đơn và muốn giữ lại chức vụ Chủ tịch.

Ngày 19/1, Cục trưởng Cục thi hành án dân sự TP. HCM thông báo quyết định thi hành án buộc doanh nghiệp tạm dừng thi hành các Nghị quyết số 50, 51 và 53 cho đến khi vụ việc được giải quyết bằng quyết định hay phán quyết của Hội đồng Trọng tài. Do đó, ông Lê Viết Hải tiếp tục giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của Tập đoàn.

Thời điểm này, nội bộ HĐQT của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã có sự chia rẽ.  4/8 thành viên HĐQT, gồm ông Nguyễn Công Phú, ông Lê Quốc Duy, ông Dương Văn Hùng và ông Albert Antoine, tố ông Lê Viết Hải quản lý yếu kém đẩy doanh nghiệp vào “tình trạng khó khăn chưa từng có”.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là một trong những doanh nghiệp niêm yết công bố kết quả kinh doanh muộn nhất trong kỳ kinh doanh quý IV/2022. Kinh doanh dưới giá vốn, trong khi doanh thu cũng giảm tới 16%, Công ty lỗ gộp từ hoạt động chính hơn 400 tỷ đồng. 

Cùng đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt do trích lập dự phòng phải thu khó đòi. Hoạt động tài chính cũng có kết quả tiêu cực do bán lỗ khoản đầu tư và chi phí lãi vay gấp đôi cùng kỳ.  

Riêng trong quý IV/2022, Tập đoàn này lỗ ròng hơn 1.200 tỷ đồng. Cũng bởi khoản lỗ lần đầu tiên ghi nhận trong lịch sử kinh doanh của Hòa Bình kể từ khi lên sàn, Công ty thua lỗ tới hơn 1.100 tỷ đồng trong cả năm 2022, trong khi lãi ròng gần 100 tỷ đồng năm 2021.

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị mức chiết khấu tối thiểu

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng, cần quy định mức chiết khấu tối thiểu và xem đó là khoản chi phí nhất định để đảm bảo hoạt động của thị trường xăng dầu được ổn định.

Sáng 14/2, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Công thương phối hợp tổ chức hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu”.

Cả hội trường tầng 7 tại VCCI đầy kín khách mời, phần lớn là các doanh nghiệp đến từ khắp cả nước, hy vọng được góp thêm ý kiến cho Ban soạn thảo sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu.

DN bán lẻ đã lỗ nghìn tỷ cả năm nay

Ông Hà Thanh Tùng, lãnh đạo một công ty xăng dầu tỉnh Hà Giang, thay mặt cho nhóm khoảng 9.000 cửa hàng xăng dầu trên cả nước hiện đang tạo ra 27.000 việc làm, mỗi tháng chi 270 tỷ đồng tiền lương. Nếu tính bình quân một cửa hàng xăng dầu đầu tư xây dựng khoảng 10 tỷ đồng thì tổng tài sản lên tới 90.000 tỷ đồng.

“Tài sản, số việc làm, số tiền doanh nghiệp chi trả cho người lao động lớn hơn nhiều so với một số thương nhân xuất nhập khẩu. Nhưng lũy kế từ tháng 3/2022 đến nay, các DN này đã thua lỗ khoảng 3.000-4.000 tỷ đồng, đang đứng trước nguy cơ xin rút giấy phép, tạm ngưng kinh doanh”, ông Tùng nói.

Do xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên lời hay lỗ vẫn phải bán hàng nếu ngừng bán phải có lý do chính đáng, nếu không sẽ bị phạt.

Đông đảo doanh nghiệp dự hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu tại VCCI, sáng 14/2/2023.

“Thời gian qua dù chịu mức chiết khấu bằng 0, thậm chí là chiết khấu âm nhưng doanh nghiệp bán lẻ vẫn phải duy trì kinh doanh. Doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng ở một nơi sau khi ký hợp đồng có thể bị chèn ép bởi nhà phân phối cho chiết khấu bao nhiêu cũng phải nhận bởi nếu không lấy hàng sẽ không thể lấy của nhà phân phối khác. Doanh nghiệp bán lẻ bị kẹt, mọi sự cạnh tranh bị triệt tiêu”, ông Tùng phản ánh.

Trong khi đó, doanh nghiệp phân phối vừa nhập hàng để bán buôn, vừa có các cửa hàng bán lẻ để cạnh tranh với doanh nghiệp bán lẻ. Qua đó được hưởng nhiều lợi tích như: Lợi nhuận định mức, chí phí kinh doanh định mức, chủ động được nguồn hàng, không bị xử phạt khi dừng bán hàng…

Sở hữu 2 cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại Bắc Giang, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ An Huệ cũng đang chịu cảnh thua lỗ. Chi phí kinh doanh hàng tháng 90-100 triệu đồng, trong đó gồm: 60 triệu trả lãi vay, 20 triệu lương nhân viên, 10 triệu là các chi phí khác, DN đang cố cầm cự thêm, nhưng có thể phải tính đến phương án đóng một cửa hàng để giảm áp lực chi phí vốn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Văn An, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ An Huệ cho biết: “Sẽ cố gắng cầm cự, nhưng có thể trong thời gian tới sẽ đăng ký với cơ quan quản lý để rút ngắn thời gian bán hàng, vì càng bán nhiều càng lỗ nhiều. 

Kiến nghị mức chiết khấu tối thiểu

Cần hướng tới cơ chế điều hành xăng dầu để ai cũng thắng, đó là tự do hoá để thị trường định giá theo quan hệ cung cầu, gắn thị trường xăng dầu trong nước với thị trường xăng dầu quốc tế.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quan lý kinh tế Trung ương.

Để thị trường xăng dầu ổn định, công bằng, hài hòa lợi ích, ông Hà Thanh Tùng đề nghị: “Ban soạn thảo công nhận sự tồn tại của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong xây dựng Nghị định 83 và Nghị định 95 sửa đổi để doanh nghiệp có các quyền và nghĩa vụ bình đẳng như các doanh nghiệp đầu mối”.

Đồng thời, quy định lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức ở khâu bán lẻ một cách hợp lý đảm bảo công bằng, không có sự phân biệt đối xử… Cụ thể, chi phí định mức nên chia thành 3 khâu, trong đó của khâu bán lẻ khoảng 3-5%, lợi nhuận định mức của khâu bán lẻ khoảng 2-2,5%.

Còn ông Hồ Văn An, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ An Huệ đề xuất mức chiết khấu tối thiểu 5-6% /giá bán lẻ xăng dầu, đây được coi là công cụ để doanh nghiệp hoạt động trong mọi tình huống biến động của giá dầu thế giới.

Góp ý với Ban soạn thảo về sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) cho rằng, kinh doanh xăng dầu hiện nay rất bất ổn, DN bán lẻ cực kỳ khó khăn, mấu chốt làm sao xây dựng được Nghị định kinh doanh xăng dầu lâu dài, ổn định, đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế.

Ông Chấn khẳng định: “Nếu không có chiết khấu thì không thể đảm bảo được thị trường xăng dầu ổn định, DN bán lẻ không có lãi thì không thể duy trì kinh doanh. Đại diện DN đến từ Trà Vinh đề nghị, cần quy định mức chiết khấu tối thiểu và xem đó là khoản chi phí nhất định để đảm bảo hoạt động của thị trường xăng dầu được ổn định, vì doanh nghiệp bán lẻ là khâu quan trọng, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng nên cần đảm bảo các hoạt động cần diễn ra một cách liên tục, xuyên suốt.

Các doanh nghiệp bán lẻ đồng loạt cho rằng, chiết khấu là công cụ hữu hiệu để DN bán lẻ tồn tại. Tuy nhiên, cần chia 3 khâu rõ ràng: Đầu mối, phân phối và bán lẻ, đồng thời đề xuất chiết khấu tối thiểu 5-6% trên giá bán lẻ cho DN.

Khi giải quyết được mức chiết khấu tối thiểu dành cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu sẽ khắc phục được vấn đề đứt gãy cục bộ, đảm ổn định chuỗi cung ứng, thị trường ổn định, không còn xảy ra tình trạng các cửa xăng dầu ngừng kinh doanh như hiện nay.

Chuỗi bán lẻ xe đạp chờ “cửa sáng” hậu sốt ảo

Sau hai năm tăng trưởng liên tục, thị trường bán lẻ xe đạp đang chững lại khi nhu cầu mua giảm mạnh, nhưng, các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào tiềm năng dài hạn của lĩnh vực này.

ị trường hấp dẫn, nhưng 90% thuộc về đơn vị nhỏ lẻ

Báo cáo nghiên cứu Thị trường xe đạp ở riêng phân khúc trẻ em trên sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki, Lazada dành cho nhà bán hàng trong năm 2022 do Nền tảng phân tích số liệu thị trường Metric.vn cho thấy, tổng doanh số đạt 39 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm trước đó.

Sự tăng trưởng của phân khúc xe đạp trẻ em cũng diễn ra tương tự ở mảng bán lẻ tại các chuỗi cửa hàng hiện hữu. Ông Peter Nguyễn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vòng Xanh (Xedap.vn, Xedien.vn) không tiết lộ con số kinh doanh cụ thể, nhưng ông khẳng định, phân khúc xe đạp trẻ em sôi động nhất trên thị trường, bởi một gia đình có thể mua cho đứa trẻ tới 3 chiếc xe trong khoảng thời gian bé từ 1 tuổi đến 15 tuổi.

Về thị trường nói chung, ông Peter Nguyễn cho rằng, thị trường xe đạp đi đôi với tốc độ phát triển đô thị hóa với tỷ lệ tăng trưởng 15% hàng năm. Ước tính, có khoảng 2,5 triệu chiếc xe đạp được tiêu thụ tại Việt Nam mỗi năm, với tổng giá trị thị trường ở mức 7.500 tỷ đồng.

Trong khi đó, hầu hết các cửa hàng xe đạp hiện tại đều đang được vận hành bởi các hộ kinh doanh cá thể truyền thống chưa chuẩn chỉnh, thiếu kinh nghiệm vận hành, thiếu phương pháp quản trị và nguồn lực. Vậy nên, việc xây dựng chuỗi bán lẻ xe đạp cho cả gia đình với trải nghiệm mua sắm hiện đại, cung cấp sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp và dịch vụ hậu mãi uy tín sẽ đánh đúng thị hiếu của thị trường.

Ngành hàng xe đạp tại Việt Nam là thị trường hấp dẫn, nhưng đang bị bỏ ngỏ. Dù nhu cầu cao, thị trường hiện chỉ có một vài “ông lớn” nắm khoảng 10% thị phần, 90% thị phần thuộc về các đơn vị buôn bán nhỏ lẻ, manh mún và chưa được đầu tư bài bản. Do đó, đây là cơ hội tốt để các tên tuổi gia nhập thị trường, tăng tốc mở chuỗi và giành “miếng bánh”.

Đầu năm 2022, chuỗi bán lẻ Thế giới Di động quyết định nhảy vào thị trường này với chuỗi cửa hàng thử nghiệm AVACycle. Đây là một trong 5 chuỗi thuộc hệ sinh thái AVAWorld, chuyên bán các mặt hàng xe đạp và phụ kiện chính hãng.

Trước đó, Thế giới Di động cũng có những cửa hàng bán xe đạp tại các địa bàn ở khu vực phía Nam TP.HCM. Khu vực bán xe đạp được đặt dưới mái hiên của hai siêu thị Điện máy Xanh hiện hữu.

Để thực hiện chiến lược giành thị phần, Thế giới Di động đã nâng cấp mảng kinh doanh xe đạp thành mô hình “shop-in-shop” trong chuỗi Điện máy Xanh. Theo đó, nhà bán lẻ này tách mảng xe đạp hiện tại để thành lập các cửa hàng AVACycle.

AVACycle hiện có khoảng 158 cửa hàng, tận dụng khoảng trống phía trước các cửa hàng Điện máy Xanh để làm mặt bằng trưng bày xe đạp. Tại đây, các loại xe đạp đường phố, xe đạp leo núi, xe đạp đua, xe đạp trẻ em… với nhiều mẫu mã được bày bán. Cùng với đó, cửa hàng cũng bán các phụ kiện đi kèm như mũ bảo hiểm, găng tay, đèn, bọc yên, túi… với giá phù hợp số đông.

Thời điểm bắt đầu thử nghiệm, ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Công ty cổ phần Thế giới Di động cho biết, trung bình một cửa hàng Điện máy Xanh bán 10 – 15 chiếc xe đạp/ngày. Trong những ngày đầu khai trương, mỗi cửa hàng có thể bán tới 50 chiếc/ngày. Với đà tăng trưởng điểm bán và giá bán trung bình 3 triệu đồng/chiếc, CEO Thế giới Di động kỳ vọng, mảng xe đạp sẽ mang về doanh thu khoảng 400 tỷ đồng trong năm đầu tiên và tiếp tục tăng trưởng.

Với bước khởi đầu thuận lợi trong hai năm qua, AVACycle kỳ vọng có thể đóng góp doanh thu và lợi nhuận đáng kể cho Thế giới Di động từ năm 2023.

Nhắc đến các chuỗi xe đạp tiên phong ở thị trường Việt Nam, phải kể đến chuỗi Xedap.vn thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Vòng Xanh.

Tên tuổi này được nhắc nhiều đến từ năm 2016 trong vai trò nhà phân phối chính thức của Giant International – thương hiệu xe đạp thể thao lớn nhất thế giới. Đây cũng là nhà nhập khẩu xe đạp quy mô lớn nhất Việt Nam với danh mục phân phối kết hợp nhiều thương hiệu xe đạp và phụ tùng, phụ kiện, trong đó có Wahoo, Maxxis, Finish Line…

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe và tập luyện thể thao của người dân tăng lên tạo dư địa lớn cho thị trường xe đạp.

Nhưng phải đến năm 2019, Vòng Xanh mới bắt tay xây dựng chuỗi bán lẻ Xedap.vn. Hiện Xedap.vn đã có hơn 22 cửa hàng, chủ yếu tập trung ở Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM. Chuỗi này cũng bước chân vào lĩnh vực xe điện với mô hình cửa hàng song song Xedap.vn, Xedien.vn.

Xedap.vn vừa được Quỹ đầu tư tư nhân Excelsior Capital Asia rót vốn và hỗ trợ chiến lược tăng tốc độ phủ. Với khoản đầu tư này, Xedap.vn đặt tham vọng mở rộng chuỗi lên trên 100 cửa hàng trong các năm tới, hướng tới mục tiêu phủ khắp cả nước. Không chỉ vậy, chuỗi sẽ đầu tư các nền tảng công nghệ kết nối cộng đồng đạp xe và thể thao và đưa xe đạp đến tất cả các hộ gia đình thành thị.

 Cuộc đua chinh phục khách hàng

Thời điểm AVACycle và Xedap.vn nhảy vào cuộc chơi, nhiều dữ liệu cho thấy, các tên tuổi này sẽ là đối thủ đáng gờm của các cửa hàng xe đạp nhỏ lẻ với chính sách ưu đãi đậm.

Tuy nhiên, ông Peter Nguyễn cho rằng, khoảng 2.300 cửa hàng bán lẻ xe đạp truyền thống đang hiện diện trên thị trường vẫn “sống khỏe”. Đây là bức tranh tồn tại bao năm nay, không có gì mới. Trong cuộc chơi này, Vòng Xanh không cố gắng xây dựng điều gì to tát, mà đơn giản chỉ tham gia cải tiến, hiện đại hóa ngành bán lẻ xe đạp truyền thống. 

Hai năm đại dịch là thời điểm kích thích tốc độ tăng trưởng chung cho các chuỗi, thậm chí Xedap.vn đã mở liên tục 22 cửa hàng, song đến thời điểm này, tốc độ phát triển đang tạm chững lại, vì nhu cầu chi tiêu và sức mua của người dân giảm, do nền kinh tế gặp khó khăn chung.

“Có thể năm nay, chúng tôi sẽ không đạt tăng trưởng như kỳ vọng và 2 năm trước, nhưng vẫn phải nỗ lực tăng trưởng theo cam kết với quỹ đầu tư”, ông Peter Nguyễn chia sẻ.

Theo Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vòng Xanh, sản phẩm chất lượng, đa dạng mẫu mã và đáp ứng tất cả nhu cầu của người tiêu dùng trong cùng gia đình là yếu tố cạnh tranh để giành phần thắng hiện nay.

Cụ thể, mỗi điểm bán phải có đủ các dòng xe, phân khúc xe cho trẻ em, người lớn, người già, người đi làm, đi chợ, tập thể thao… Cửa hàng phải đặt ở trung tâm của sự tiện lợi, tại những khu vực tập trung tập thể thao, mua sắm; có chất lượng dịch vụ hậu mãi tốt, mang tới cho khách hàng trải nghiệm mua sắm tiện nghi.

“Hầu hết cửa hàng truyền thống đều thiếu một trong những điều trên, nên khách hàng sẽ tìm đến chuỗi Xedap.vn để được thỏa mãn”, ông Peter Nguyễn khẳng định.

Trong khi đó, CEO Thế giới Di động cũng tự tin với lượng khách hàng lớn sẵn có, cộng với mô hình shop-in-shop tốn ít chi phí mặt bằng và vận hành, nên AVACycle có thể dùng khoản dư đó để khuyến mại, kích cầu tiêu dùng. Với cách làm này, AVACycle sẽ không mất nhiều thời gian để chiếm được 30 – 40% thị phần trong thời gian sớm nhất.

Thực tế, Vòng Xanh cũng là nhà cung cấp xe đạp Giant International cho Điện máy Xanh. Việc nhà bán lẻ lớn này nhảy vào thị trường sẽ thúc đẩy ngành xe đạp phát triển, sự quan tâm của người dân tới việc đạp xe cũng sẽ nhiều hơn. Thậm chí, mảng bán lẻ của chính Vòng Xanh cũng hưởng lợi, bởi doanh thu mảng bán sỉ của Công ty tăng cùng với quy mô của Điện máy Xanh.

Giới phân tích cho rằng, thời gian qua, đại dịch Covid-19 bùng phát khiến những dự đoán về nhu cầu thị trường bị sai lệch. Nhiều nhà phân phối xe đạp và các cửa hàng, chuỗi bán lẻ xe đạp đối mặt với vấn đề hàng tồn kho lớn và chi phí tăng cao do kinh tế suy thoái. Nhiều cơ sở phải đối mặt với lựa chọn vô cùng khó khăn: tăng giá để bù đắp chi phí hay giảm giá, khuyến mại để cứu vãn doanh số.

Thông thường, từ tháng 7 đến cuối năm là giai đoạn thị trường xe đạp tăng trưởng mạnh, vì gắn với mùa tựu trường và mùa mua sắm cuối năm. Tuy nhiên, trong quý III và quý IV/2022, các hãng xe đạp cho biết, sức mua giảm 50 – 70% so với cùng kỳ năm 2021 và còn thấp hơn cả giai đoạn trước dịch Covid-19. Diễn biến này tại Việt Nam khá giống thị trường toàn cầu.

Mặc dù vậy, giới kinh doanh đã sớm nhìn ra triển vọng bùng nổ của thị trường xe đạp và đánh giá, về dài hạn, bán lẻ xe đạp vẫn là thị trường tiềm năng. Đây là yếu tố chính khiến các quỹ đầu tư cân nhắc để rót vốn vào các chuỗi bán lẻ xe đạp ở thị trường Việt Nam.