Doanh nhân Phạm Lê Tuấn Kiệt: Cùng Zoomcar Việt Nam chinh phục mục tiêu tham vọng

Sau khi thành công tại thị trường Ấn Độ, Zoomcar – ứng dụng cho thuê xe ô tô tự lái đã có mặt tại TP.HCM với mục tiêu đầy tham vọng. Ông Phạm Lê Tuấn Kiệt cùng đội ngũ Zoomcar đang nỗ lực để đạt được những mục tiêu này.

Thiết lập nền tảng

Từ nay tới năm 2025, Zoomcar sẽ trở thành sàn thương mại điện tử chuyên cho thuê xe ô tô tự lái lớn nhất Việt Nam.

Ông Phạm Lê Tuấn Kiệt (thường gọi là Kiệt Phạm), Phó chủ tịch, kiêm Giám đốc quốc gia Zoomcar Việt Nam gọi đây là “mục tiêu đầy thách thức, nhưng khả thi” mà Zoomcar đặt ra cho đội ngũ ở Việt Nam.

Việt Nam được đánh giá sẽ là thị trường hải ngoại tiềm năng nhất của Zoomcar, khi hội tụ đủ các điều kiện như kinh tế đang phát triển, dân số trẻ và lượng người có thu nhập trung bình tăng cao…

Sau 1 năm hoạt động tích cực, Zoomcar Việt Nam cũng đã mang về một số thành tích đáng kể, như đạt 10.000 chuyến xe, thu hút sự tham gia của hơn 3.000 chủ xe.

“Chúng tôi đã tăng 500% doanh số, 300% số chuyến xe, lượng đối tác cũng tăng 3 lần chỉ trong 1 năm. Zoomcar Việt Nam tiến dần đến điểm hòa vốn vào cuối năm 2022. Trong năm 2023, doanh thu của Zoomcar sẽ đạt khoảng 80 triệu USD”, ông Kiệt Phạm nói.

Trước khi tới Việt Nam, Zoomcar – ứng dụng công nghệ thuê, cho thuê xe tự lái – kỳ lân công nghệ của Ấn Độ (thành lập năm 2013), đã tiên phong trong lĩnh vực chia sẻ xe hơi trên khắp các thị trường đang phát triển tại châu Á. Với mô hình kinh doanh ít vốn, như một sàn thương mại điện tử, nền tảng này kết nối chủ sở hữu xe ô tô với những khách hàng có nhu cầu sử dụng xe linh hoạt cho nhu cầu cá nhân, kinh doanh hay du lịch.

Lợi thế chính của Zoomcar là tập trung vào việc đầu tư các công nghệ cốt lõi để tạo ra trải nghiệm hoàn hảo tuyệt vời cho cả khách thuê xe và đối tác chủ xe.

Hiện tại, doanh nghiệp này đang hoạt động tại Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Ai Cập.

Theo Hãng nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence, thị trường cho thuê xe Việt Nam được định giá 463 triệu USD vào năm 2021 và dự kiến đạt 884 triệu USD vào năm 2027, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt 13,8% trong giai đoạn từ nay đến năm 2027.

Trong khi đó, tỷ lệ sở hữu xe ô tô tại Việt Nam khoảng 23 xe/1.000 dân – khá thấp so với tỷ lệ trung bình trong khu vực, nhưng thu nhập lại tăng tốt, nhu cầu di chuyển tăng cao. Nhóm khách hàng mà Zoomcar muốn hướng đến là những người chưa hoàn toàn có đủ khả năng để sở hữu một chiếc xe, nhưng có nhu cầu lái xe, thu nhập đủ để thuê một chiếc xe tự lái.

Ở phía khách hàng, chỉ với chiếc điện thoại, họ có thể thoải mái lựa chọn loại xe, thời gian, phương thức thanh toán và các mẫu xe đa dạng với nhiều mức giá…

Yếu tố này đang thúc đẩy lĩnh vực thuê xe tự lái trở nên sôi động tại thị trường Việt Nam.

Sẵn sàng đương đầu với thách thức

Chia sẻ chiến lược phát triển tại thị trường Việt Nam, ông Kiệt Phạm cho biết, mô hình phát triển của Zoomcar được chia làm 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1: xây dựng ứng dụng, tìm hiểu sản phẩm, dịch vụ, chính sách, quy trình có phù hợp với người tiêu dùng và thị trường Việt Nam hay không. Giai đoạn 2: tối ưu hóa quy trình vận hành theo điều kiện thực tế. Giai đoạn 3: phát triển vượt bậc.

“Chúng tôi rất vui là chỉ mất 1 năm đã hoàn thành 2 giai đoạn đầu tiên. Không phải start-up nào cũng làm được điều đó. Kết quả này đã minh chứng cho sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam với các start-up công nghệ có giải pháp thích ứng, linh hoạt, phù hợp và biết lắng nghe điều chỉnh vì khách hàng”, ông Kiệt Phạm chia sẻ.

Sử dụng Zoomcar, khách hàng sẽ được thuê xe để tự lái mà không cần phải đặt cọc trước, cũng không bị phụ thuộc vào các “yêu sách” của chủ xe như cách truyền thống (nếu muốn, có thể không cần phải gặp trực tiếp chủ xe). 

Đặc biệt, ông Kiệt Phạm cho biết, toàn bộ xe tham gia Zoomcar đã được gắn hệ thống cảnh báo khi phát hiện những điều bất thường trong quá trình xe vận hành, đảm bảo để chủ xe có thể kiểm soát xe và khách thuê xe có chuyến đi an toàn nhất. Hệ thống thiết bị kiểm soát này có thể điều khiển từ xa thông qua phần mềm, có thể tự tắt máy xe nếu phát hiện nghi ngờ vượt qua mức cho phép.

“Trong 10.000 cuốc xe đã được thực hiện trong năm 2022, không có tai nạn lớn nào xảy ra. Đây không phải là điều tự nhiên mà có”, đại diện Zoomcar tại Việt Nam nhấn mạnh.

Zoomcar cũng giúp các đối tác tối ưu hóa doanh thu bằng mức giá linh động, tùy vào từng thời điểm của thị trường hay số lượng xe cấp ra ở thời điểm đó để xác định mức giá.

Giá thuê xe trung bình tại Zoomcar  cao hơn 15 – 20% so với chủ xe tự cho thuê. Bù lại,  Zoomcar có hợp đồng bảo hiểm với Pjico, nên khi trở thành đối tác của Zoomcar, chủ xe sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm của ứng dụng. Kể cả trường hợp đơn vị bảo hiểm từ chối thanh toán, Zoomcar sẽ đảm bảo 100% quy trình hỗ trợ chủ xe và khách từ nguồn quỹ riêng. “Đây cũng là một trong những lợi thế khác biệt của Zoomcar”, ông Kiệt Phạm nói.

Tuy nhiên, cũng theo ông Kiệt Phạm, thách thức lớn nhất mà nền tảng này đang đối mặt là tâm lý e ngại của cả khách hàng lẫn chủ xe vẫn chưa được giải tỏa hoàn toàn.

Khác với nhiều quốc gia trên thế giới, ở Việt Nam, chi phí để sở hữu một chiếc xe rất cao, nên xe ô tô được xem là một tài sản lớn, cần được bảo quản và sử dụng cẩn thận, chứ không được cho là tiêu sản, với giá trị ngày càng giảm như thông lệ. Vì vậy, việc cho thuê tự lái là một quyết định đầy cân nhắc.

Trong khi đó, những chủ xe chọn đầu tư vào dịch vụ cho thuê xe tự lái lại có tâm lý “ăn xổi” khá rõ, theo kiểu “chờ giờ chót mới cho thuê để có giá cao”, vì nhu cầu thuê xe tập trung vào hai vụ là mùa hè và dịp Tết…

Để giải bài toán tâm lý cho chủ xe, Zoomcar có phép toán, cung cấp thông tin cho chủ xe đưa ra quyết định nên cho thuê sớm, doanh số ổn định và dài hạn hơn là cho thuê trễ, doanh số cao, nhưng rủi ro cũng lớn.

Đó là chưa kể, nếu cung cấp dịch vụ tốt, giá cả hợp lý, thì khách hàng sẽ đến không chỉ trong mùa cao điểm Tết, mà sẽ thuê cho những mục đích sử dụng khác trong năm….

Để thuyết phục được chủ xe, ông Kiệt Phạm kể, đội ngũ Zoomcar đã phải “lê la” gặp gỡ từng chủ xe ở TP.HCM để thuyết phục và minh họa bằng những ví dụ cụ thể.

“Có lúc nản chí, vì chủ xe cứ nghĩ họ làm thì mình được lợi, không nghĩ là lợi ích chia đều. Và thực tế cho thấy, chúng tôi đúng, chủ xe kinh doanh hiệu quả hơn khi làm việc với Zoomcar. Điều này lý giải vì sao chỉ mới hoạt động 1 năm, Zoomcar đã thu hút hơn 3.000 chủ xe tham gia và con số này được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 2 con số trong năm 2023”, ông Kiệt Phạm tự tin.

Không chỉ giới thiệu khách hàng, Zoomcar còn giúp các chủ xe hiểu và chọn lọc khách hàng. Khi khách đặt thuê xe, bộ phận kỹ thuật Zoomcar sẽ kiểm tra xem khách hàng này có bị phạt nguội nhiều hay không, bằng lái là thật hay giả. Thậm chí còn thông qua các đối tác tài chính để xem lịch sử giao dịch của khách hàng… Ngoài ra, Zoomcar không chấp nhận hình thức thanh toán bằng tiền mặt cũng là một trong những yếu tố nhằm giảm thiểu rủi ro cho chính các chủ xe và cả khách thuê.

Dự kiến, trong năm 2023, Zoomcar sẽ mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ ra Hà Nội, Đà Nẵng, đặt tiếp những viên gạch trên công trình xây dựng sàn thương mại điện tử chuyên cho thuê xe ô tô tự lái lớn nhất Việt Nam.

Để lại một bình luận

Your email address will not be published.

Previous Story

TP.HCM kiến nghị điều chỉnh hướng tuyến đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài

Next Story

Doanh nhân Trần Thanh Việt, sáng lập và điều hành VGreen Group: Luôn bắt mình phải sáng tạo

Latest from Doanh Nhân